Sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng tại Chương trình truyền thông và tập huấn "Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả".

Sáng 22/3, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) phối hợp với Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu tổ chức Chương trình truyền thông và tập huấn "Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả" tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu.

Sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025 - 1
Các đại biểu phát động sử dụng điện tiết kiệm và hưởng ứng giờ Trái đất năm 2023.

Tại buổi tập huấn, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

"Trong khi đó, vấn đề đáng quan tâm là tình trạng sử dụng điện kể cả trong sản xuất và sinh hoạt còn nhiều lãng phí. Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được coi là quốc sách", ông Hùng nhấn mạnh.

Điện là một nguồn năng lượng quan trọng, là mặt hàng đặc biệt, cung - cầu giữa sản xuất và tiêu dùng luôn cân bằng tại mọi thời điểm; gần như không thể lưu trữ với chi phí thấp. Điện tác động đến mọi đối tượng và toàn bộ nền kinh tế. Tiết kiệm điện là mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia, bởi nhu cầu điện ngày càng tăng, nhưng tài nguyên cho sản xuất điện lại không phải là vô tận. Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... đều áp dụng nhiều biện pháp đánh vào kinh tế thông qua giá, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Việt Nam, cũng không ngoại lệ, điện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung về điện cho quốc kế, dân sinh luôn là một thách thức.

Hiện nay, ngành điện đang ưu tiên các chương trình về hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho hai đối tượng khách hàng, là nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp và khách hàng sinh hoạt. Đây là 2 nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, đến 80-85% tổng nhu cầu điện tại khu vực miền Nam. Chương trình truyền thông và tập huấn đang đi đúng chủ trương, chính sách của ngành điện về tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức duy trì công tác tuyên truyền, vận động khách hàng về Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại.

Cụ thể, cho đến hết năm 2022, các đơn vị thành viên trong toàn EVNSPC đã ký được thỏa thuận DR với 1.857 khách hàng có sản lượng sử dụng điện ≥ 3 triệu kWh/năm; 3.358 khách hàng có sản lượng sử dụng điện từ 1 triệu đến < 3 triệu kWh/năm tham gia chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Tấn Cận phát biểu, đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực và UBND các huyện, thị xã, TP, tham mưu tổ chức thực hiện pháp luật và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật đến chính quyền các cấp, cơ quan công sở, cơ sở doanh nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hàng năm, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Công ty Điện lực và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực điện lực. Công ty Điện lực cũng phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn sinh viên, học sinh thực hiện sử dụng điện tiết kiệm.

"Tôi mong muốn sau Hội nghị tập huấn này, mỗi đại biểu đều bổ sung được kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay đã qua trong thực tiễn để có thể thực hiện áp dụng trong gia đình, đơn vị của mình, đồng thời lan tỏa ra cộng đồng xã hội trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Cận nói.

Sắp tới, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề "Tiết kiệm điện - Thành thói quen" mang thông điệp khuyến khích người tiêu dùng không chỉ là tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường chỉ trong một giờ đồng hồ. Qua đó, giúp cộng đồng người tiêu dùng, doanh nghiệp thực hành thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm, để tiết kiệm điện trở thành thói quen hàng ngày.

Sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025 - 2
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng. 

Theo kế hoạch, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ chuỗi chương trình truyền thông và tập huấn cho người tiêu dùng tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam trong năm 2023 nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đúng vào thời điểm nắng nóng.

Đối với EVNSPC, trong năm 2023, thực hiện chủ đề năm của EVN "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", EVNSPC xác định mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; phấn đấu đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động định hướng đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm điện đến khách hàng và cộng đồng.

Trong công tác tiết kiệm điện, đơn vị này đặt mục tiêu tiết kiệm 2% trên tổng sản lượng điện thương phẩm (thương phẩm năm 2023 là 87,2 tỷ kWh). Đồng thời, tuyên truyền, tư vấn tiết kiệm điện sâu rộng tới mọi đối tượng khách hàng sử dụng điện thuộc phạm vi quản lý của EVNSPC, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tham mưu UBND triển khai, giám sát, kiểm tra các kế hoạch hành động tiết kiệm điện.