1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Quy mô ngân hàng không quan trọng bằng an toàn và thanh khoản!”

Trong khi giới tài chính xì xầm dự báo về “cái chết” của những ngân hàng nhỏ thì NH Đại Á (DaiABank) được NHNN phân loại vào nhóm 2, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Tịnh (ảnh) - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng ít ồn ào, phô trương này.
 
“Quy mô ngân hàng không quan trọng bằng an toàn và thanh khoản!”

 

Chưa nhiều tăm tiếng, không hề tai tiếng

 

Xét về quy mô thì DaiABank chưa hẳn nhỏ nhất, nhưng có vẻ như DaiABank là cái tên khiêm tốn về tăm tiếng trong giới ngân hàng?

 

Ông Lê Hữu Tịnh: DaiABank có lịch sử hoạt động gần 19 năm, và được khách hàng, đối tác đánh giá là một ngân hàng hàng uy tín, có chính sách tài chính minh bạch, trung thực, có đội ngũ nhân viên trẻ, thân thiện (theo công ty NCTT FTA).

 

Năm 2011, DaiABank có bước phát triển ngoạn mục; đạt lợi nhuận khá cao và kiểm soát nợ xấu tốt. Tính đến ngày 31/12/2011, tổng tài sản DaiABank đạt 22.300 tỷ đồng; tổng số huy động tiền gửi đạt 5.208 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt 6.996 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 502 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2010. Đặc biệt, DaiABank kiển soát nợ xấu tốt - dưới 1%. Trong năm 2012, DaiABank sẽ mở mới thêm 20 điểm giao dịch, đưa số điểm giao dịch của DaiABank cuối năm 2012 lên 84 điểm.

 

Đến cuối tháng 10/2011, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng này đạt 23,35 %; tỷ lệ khả năng chi trả theo ngày đạt 15,71% (quy định là 15%); tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 24,45% cao hơn nhiều so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước

 

Trong thư ngỏ gửi CBCNV toàn hệ thống, chúng tôi đã từng nói rằng, Đại Á dù không bề thế, ồn ào như các ngân hàng thương mại khác nhưng các kết quả đạt được trong năm 2011 đã chứng tỏ những định hướng của Hội đồng Quản trị, cách thức điều hành của Ban Tổng giám đốc là đúng đắn. Đặt an toàn tín dụng, đảm bảo thanh khoản, có hiệu quả là mục tiêu của Đại Á trong thời kỳ khủng hoảng.
 
“Quy mô ngân hàng không quan trọng bằng an toàn và thanh khoản!”
Nhân viên DaiABank tư vấn cho khách hàng giao dịch

 

Khi chưa nhận được thông báo phân loại và giao chỉ tiêu tăng trưởng, DaiABank có vướng vào tin đồn yếu kém ? Và  điều đó có gây khó khăn cho DaiABank trong giai đoạn vừa qua?

 

Không chỉ đến khi câu chuyện sáp nhập hay những thông tin bất lợi cho các ngân hàng nhỏ được nhắc tới, mà ngay tư khi NHNN ra chỉ thị về việc thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%, DaiABank đã phải đối diện với áp lực khách rút tiền để đầu tư vàng hay các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn, dòng vốn đã trở lại cho thấy cơ hội vẫn mở cho các ngân hàng nhỏ có hoạt động an toàn và minh bạch. Có thể thương hiệu DaiABank trên thị trường còn khiêm tốn so với các ngân hàng lớn, nhưng chúng tôi tự hào về sự an toàn và minh bạch trong thời điểm khó khăn này. Và trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi tự hào vì chưa từng bị tai tiếng gì.

 

An toàn nhờ đứng ngoài cuộc đua “siêu lợi nhuận”

 

Kể từ chỉ thị “siết” trần lãi suất của NHNN và sự đóng băng của thị trường nhà đất, nhiều NHTM đã lao đao và lộ rõ điểm yếu. Mức nợ xấu dưới 1% đồng nghĩa với việc DaiABank không “duyên nợ” nhiều với bất động sản, chứng khoán?

 

Từ đầu tháng 9/2011 đến nay, sau khi có chỉ thị của NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện huy động với trần lãi suất 14% đi kèm với nhiều biện pháp quyết liệt, một số ngân hàng thương mại “bộc lộ” các điểm yếu của họ. Đó là đầu tư quá lớn vào bất động sản, thiếu hụt vốn cho hoạt động kinh doanh.

 

Những năm 2007 - 2008 khi khu vực bất động sản, chứng khoán có khả năng sinh lời cao chúng tôi đã không đẩy mạnh vào những lĩnh vực này. Chính vì thế, DaiABank cũng không sa vào những khó khăn từ hệ lụy của những lĩnh vực “nóng” nói trên. Đến nay, Đại Á vẫn tập trung cho vay khu vực dân cư, hộ sản xuất và các doanh nghiệp SME, là khu vực được nhà nước khuyến khích. Chúng tôi cho rằng việc chọn được phân khúc khách hàng phù hợp và cung cấp sản phẩm năng động, NHTM nhỏ vẫn có khả năng tạo lập và giữ vững thị phần khách hàng một cách bền vững và an toàn.

 

Đó là chiến lược, hay thuần túy là sự may mắn?

 

Một mặt, lúc đó chúng tôi vừa chuyển đổi lên ngân hàng đô thị, ít nhiều còn bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi xác định cho mình là tập trung cho một phân khúc quen thuộc và cũng là thế mạnh của mình là khách hàng dân cư, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và nhỏ như vậy. Vì thế mà có được những khách hàng gắn bó, trung thành. Ở đây, mối quan hệ và thế mạnh không chỉ ở tín dụng mà còn các dịch vụ đi kèm có đóng góp quan trọng trong thu nhập của ngân hàng.

 

Không sợ “ế” chỉ tiêu

 

Nhiều NHTM trần tình họ sợ “ế” chỉ tiêu vì không biết làm gì để đạt mức tăng trưởng 15 – 18% trong bối cảnh tín dụng thắt chặt để kiềm chế lạm phát. DaiABank định làm gì với mức 15% được giao trong năm 2012?

 

Thực ra, chúng tôi cũng đưa ra mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, dựa trên mối tương quan bình thường về vốn điều lệ hiện có và khả năng huy động vốn từ dân cư, các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, nhằm thực thi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thì mức độ tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước từ 15% đến 17% theo tôi là hợp lý, vì lợi ích chung.

 

Với chỉ tiêu 15% đã được giao, DaiABank sẽ tập trung cho vay sản xuất kinh doanh, chẳng hạn lĩnh vực cho vay nông, lâm ngư nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu. Nguồn vốn ưu tiên cho địa bàn Đồng Nai sẽ chiếm tỷ trọng hơn 50%. Về ưu đãi, căn cứ vào thực tế các nguồn vốn, DaiABank sẽ có chính sách lãi suất hợp lý để phục vụ khách hàng (dựa vào kết quả kinh doanh hiệu quả,  dòng tiền tốt, tài sản đảm bảo… ). Hiện tại, DaiABank đang có nguồn vốn từ Quỹ tài chính nông thôn do World Bank tài trợ, Quỹ SMEPF (Quỹ phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ) của Jica (Nhật Bản) với lãi suất ưu đãi để phát triển nông nghiệp, nông thôn và DN vừa và nhỏ.

 

Với hơn 40 NHTM trên thị trường, “miếng bánh” thị phần có vẻ đã khá chật chội. DaiABank sẽ làm gì để giữ vững và tăng trưởng “lát bánh” của mình trong một năm mà lĩnh vực ngân hàng sẽ có rất nhiều biến động lớn?
 

Thị phần của ngân hàng không thể là một “cái bánh” cố định mà nó phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Có thể lúc này, ngân hàng A, ngân hàng B có thị phần lớn nhưng không ai khẳng định trong tương lai có thay đổi hay không? Việc cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ rất sôi động, đầy áp lực, và các ngân hàng thương mại lớn, nhỏ còn tồn tại sau tái cấu trúc sẽ có những chiến lược riêng để giữ được và nâng cao thị phần của mình. 

Hiện nay, không ít NHTM nhỏ đang lo xử lý những tồn tại hiện hữu thì DaiABank đang tăng tốc hoàn thành các kế hoạch đề ra như Xây dựng Trung tâm dự phòng dữ liệu, đưa vào hoạt động trung Tâm chăm sóc khách hàng, phát hành thẻ tín dụng Mastercard DaiABank, triển khai hệ thống quản trị ISO, hoàn thiện công tác tái cấu trúc bộ máy ngân hàng theo mô hình hiện đại….

DaiABank có lợi thế so với các NHTM khác là có cổ đông lớn, cổ đông chiến lược như Tổng Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai), Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Ngân hàng Á Châu, Công ty SXKT Đồng Nai… luôn sát cánh hỗ trợ DaiABank tìm kiếm khách hàng lớn, bán chéo sản phẩm, hợp vốn cho vay, đào tạo, phát triển sản phẩm…  

Trong quá trình hoạt động và phát triển chúng tôi luôn tìm kiếm những đối tác chiến lược phù hợp để có thể cùng chung vai sát cánh nhằm tăng năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động, đặc biệt là tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, đối tác và cổ đông…”

2012 cũng là năm được dự báo đầy rẫy khó khăn cho thị trường bất động sản và chứng khoán. Ông nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nào với hai khu vực này?

 

Những ngày gần đây thị trường chứng khoán có dấu hiệu tốt khi chỉ số có tăng điểm, lượng vốn của Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng quay trở lại, dù chưa ổn định, Nhưng điều quan trọng là các cam kết của Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán thì hy vọng khởi sắc trong năm 2012 là có cơ sở. Việc khởi sắc này phụ thuộc rất lớn vào sự đồng bộ trong chính sách liên quan đến tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hang, trong đó đặc biệt làm lành mạnh hoạt động hệ thống ngân hàng. Việc các doanh nghiệp khó khăn, không thể có hiệu quả khi lãi suất vay vốn quá cao được xem là nhân tố làm cho thị trường chứng khoán không hấp dẫn nhà đầu tư.

 

Tôi nghĩ lĩnh vực bất động sản còn khó khăn không ít khi cung trên thị trường quá lớn. Kinh tế còn khó khăn nên phần lớn người dân phải tập trung vào chi tiêu hàng ngày, những người muốn vay để mua nhà lại vấp phải lãi suất quá cao. Đối với các nhà đầu tư bất động sản cũng đang “kiệt quệ” về vốn khi thị trường đóng băng vài năm trở lại đây. Một vài tín hiệu rời rạc trên thị trường bất động sản không nói được gì cho xu hướng tăng trong năm nay.

 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

T.B ­(Thực hiện)