1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quy hoạch Hà Nội: 750 dự án "như cá trên thớt"

Đồ án Quy hoạch chung TP. Hà Nội đã được phê duyệt. Theo Bộ Xây dựng, trên tinh thần đồ án, sẽ có tới 750 dự án bị đình hoãn để xem xét liệu có phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hay không.

Đây là con số không nhỏ một lần nữa lại nói lên tính chất "chồng chéo trong quy hoạch” của những nhà làm quản lý.

"Số phận” hàng trăm dự án định đoạt thế nào?

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã đi những bước cuối cùng và hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội hoàn thiện toàn bộ Hồ sơ bản vẽ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng trước ngày 1/8/2011.
 
Quy hoạch Hà Nội: 750 dự án "như cá trên thớt" - 1
Quy hoạch xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được thông qua

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sẽ có khoảng 750 dự án phải tạm dừng chờ bản Đồ án Quy hoạch chung. Đây là những dự án trước đây trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ, dù đã được phê duyệt, nhưng tất cả đều bị đình hoãn nhằm xem xét có phù hợp với Quy hoạch chung của Thủ đô khi mở rộng hay không.

Trong số 750 dự án nói trên, dù không phải tất cả 100% dự án sẽ bị đình hoãn, thu hồi khi bản Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, nhưng theo dự đoán của các nhà quản lý, sẽ có hàng trăm dự án trong số đó bị chuyển đổi sang mục đích khác, nếu không nói là "triệt tiêu”. Đây là một thực trạng mà các nhà làm quản lý sẽ phải đau đầu để giải quyết. Nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Việc có tới 750 đồ án, dự án đầu tư tại thời điểm lập quy hoạch là một thực trạng phải quan tâm, giải quyết.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, hầu hết những dự án có nguy cơ bị đình hoãn đều nằm trong "hành lang xanh” của Thủ đô Hà Nội - vùng phân cách giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Đây là những dự án được phê duyệt khi Hà Nội chưa mở rộng, do vậy, sẽ không tránh khỏi có những dự án đã triển khai nay buộc phải hủy bỏ hoặc chuyển đổi sang một vị trí khác.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, với quy hoạch lần này của Thành phố Hà Nội, chắc chắn nhiều dự án đô thị sẽ bị rà soát và thay đổi. Đặc biệt, nếu rơi vào khu vực vành đai xanh, bị khống chế mật độ và độ cao xây dựng, chủ dự án chắc chắn sẽ bị thiệt hại.

Việc lập một Đồ án Quy hoạch chung với một đô thị trung tâm cùng hành lang xanh phân cách với các đô thị vệ tinh, theo các chuyên gia là nhằm mục đích khống chế dân cư nội thành. Những bản Quy hoạch trước đây của Hà Nội cũng đưa ra mô hình vành đai xanh, nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị.

Việc rà soát các dự án lần này không phải là lần đầu tiên, bởi trước đó, cũng đã diễn ra những cuộc rà soát và kết cục là, hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ, trong đó chỉ có một số ít dự án tiếp tục được triển khai.

Việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án trước kia đã khiến thị trường bất động sản một phen chao đảo và hệ lụy của nó tất yếu là sự lãng phí về tiền của khi các chủ đầu tư đã bỏ tiền vào đó rồi lại phải ngậm ngùi nhìn các dự án bị đình hoãn. Do đó, việc tất yếu điều chỉnh dự án nằm trong quy hoạch mới mà người ta gọi là hành lang xanh lần này, không thể không tác động đến các chủ đầu tư và tác động đến thị trường bất động sản một lần nữa.

Kết cục của sự chồng chéo trong quy hoạch

Điều này tất yếu dẫn đến một hệ quả nhãn tiền: Đó là sự lãng phí lớn khi hàng trăm dự án chứ không phải chỉ một vài dự án có nguy cơ bị đình hoãn nếu không muốn nói là bị phá hủy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây không đơn thuần là những thiệt thòi mà các chủ đầu tư phải gánh chịu. Xét ở một khía cạnh khác, vẫn lại là sự băn khoăn về tầm nhìn trong quy hoạch thủ đô. Dư luận một lần nữa lại đặt câu hỏi: Đây liệu có phải là một kết cục nữa của sự lãng phí do chồng chéo trong Quy hoạch Thủ đô?

Số phận của hàng trăm dự án đã được phê duyệt ở thời điểm Hà Nội chưa mở rộng giờ như "cá nằm trên thớt”. Có lẽ, số phận của 750 dự án nói trên không phải là trường hợp hy hữu khi trước đó, hàng loạt các ý tưởng cho bản Đồ án Quy hoạch Hà Nội đã dẫn đến những hệ lụy là sự lãng phí quá lớn.

Chỉ đơn cử như việc dư luận lên tiếng về chủ trương xây đường sắt trên cao, đường bộ trên cao, nhà siêu mỏng, siêu méo, biệt thự bỏ hoang, giãn dân phố cổ... thời gian vừa qua cũng có thể thấy tầm nhìn của các nhà quản lý trong bản phác thảo Đồ án Quy hoạch Thủ đô đến đâu(!)

Còn nhớ tại một cuộc hội thảo góp ý vào dự án phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 của TP Hà Nội do UBMTTQ TP. Hà Nội tổ chức hồi đầu tháng 7, cả 15 nhà khoa học, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc tham gia góp ý dự thảo đều đồng loạt phê phán về tính chất chồng chéo, tầm nhìn thiển cận, manh mún trong quy hoạch.

Và không ít chuyên gia đã bày tỏ sự nuối tiếc khi lại phải dùng hai từ "giá như” cho bản Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội: Giá như Hà Nội biết ưu tiên cái gì cần làm trước, cái gì nên làm sau; Giá như năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ thành phố được nâng cao hơn để có tầm nhìn xa hơn; giá như một bản Quy hoạch Thủ đô rộng lớn, tầm cỡ như vậy được xây dựng với thời gian dài hơi hơn...

Nói như KTS Đào Ngọc Nghiêm: "Hà Nội sáp nhập tháng 8/2008, sau đó tháng 12/2008, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch của Hà Nội, 2009 bắt đầu làm, 2010 các hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, 3 lần báo cáo Chính phủ... Vậy là thời gian nghiên cứu quy hoạch một năm, thời gian sửa chữa lấy ý kiến một năm rưỡi như vậy quá ít thời gian cho một bản Quy hoạch Thủ đô rộng lớn như hiện tại”...

Theo Phương Thảo

Đại Đoàn Kết