1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quốc hội bàn tác hại rượu bia, cổ phiếu Sabeco, Habeco vẫn tăng mạnh

(Dân trí) - Giá cổ phiếu SAB và BHN trong thời gian gần đây đang trong đà tăng giá rất tích cực dù trên nghị trường, dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

VN-Index trong sáng nay (24/5) có lúc hồi phục được về mức tham chiếu song vẫn đánh mất 4,7 điểm tương ứng 0,48% vào thời điểm tạm dừng giao dịch tại mức 978,01 điểm. Còn HNX-Index thì giảm khá mạnh 0,61 điểm tương ứng 0,58% còn 105,68 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về các mã giảm. Có 312 mã giảm giá, 37 mã giảm sàn so với 223 mã tăng và 32 mã tăng trần trong sáng cuối tuần.

Thanh khoản sụt giảm còn 71,72 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 1.785,54 tỷ đồng và trên HNX là 16,25 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 228,09 tỷ đồng.

Chỉ số chính đang chịu tác động tiêu cực từ cặp cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường là VHM và VIC. Theo đó, chỉ riêng VIC và VHM đã khiến VN-Index bị sụt giảm lần lượt 1,24 điểm và 1,2 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số còn bị ảnh hưởng bởi đà giảm tại BID, GAS, BHN, PLX trong khi SAB, NVL, VCB tăng giá nhưng mức độ tác động lại không đáng kể.

Quốc hội bàn tác hại rượu bia, cổ phiếu Sabeco, Habeco vẫn tăng mạnh - 1

Bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm

Mức tăng của SAB trong sáng nay đã bù đắp được mức giảm 2.600 đồng trong phiên hôm qua. Sáng nay, SAB tăng 2.800 đồng lên 263.900 đồng/cổ phiếu còn BHN lại  bị chốt lời sau chuỗi ngày tăng mạnh trước đó. Từ đầu phiên giao dịch chiều, BHN có dấu hiệu hồi phục rất mạnh.

Như vậy, cổ phiếu của hai doanh nghiệp kinh doanh bia, rượu hàng đầu Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng tốt dù dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã được đưa ra hội trường Quốc hội.

Trong phiên thảo luận hôm qua, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) cho rằng, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%.

Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm. Đại biểu lo ngại, trong điều kiện bia được tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, bia sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.

Bà Hiền đề nghị quy định hạn chế quảng cáo bia với độ cồn từ 4% trở lên thay cho trên 5,5% mới bắt đầu kiểm soát và nới khung giờ kiểm soát quảng cáo này trong suốt chương trình truyền hình đến 21 giờ tối.

Tuy nhiên, theo đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai), tác động của rượu bia là khác nhau với mỗi người sử dụng và đồng thời cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của đề xuất cấm quy định quảng cáo, bán rượu bia trên internet.

Nữ đại biểu này đề nghị Quốc hội xem xét lại về dự luật này, chỉ nên xây dựng một chương trình hành động phòng chống tác hại rượu bia, không nên bấm nút thông qua luật, một dự luật có thể thấy rõ khó khả thi.

Những quy định trong dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có tác động nhất định đến Sabeco và Habeco cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu tại Việt Nam.

Trong quý I/2019, Sabeco đã chi đậm cho quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ với ngân sách lên tới 345 tỷ đồng, tăng 122 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhờ đó, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần kỷ lục 9.337 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 1.290 tỷ đồng, tăng 11,6%.

Trong khi đó, Habeco cũng tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ lên 68 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và doanh thu đạt 1.564 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ, tuy nhiên lãi sau thuế của Habeco lại giảm mạnh 42% còn 64 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, VCBS cho rằng, áp lực chốt lời tiếp tục áp đảo thể hiện sự chủ động trong việc thoát khỏi thị trường từ phía nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại bán ròng khá mạnh trong thời gian gần đây. 

Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ngắn hạn, bên cạnh đó tiếp tục quan sát những diễn biến mới của kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thế giới để kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.

Mai Chi