1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Ninh "vô địch", Đồng Tháp là "á quân" về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018

(Dân trí) - Theo đánh giá của VCCI, kết quả PCI 2018, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 70,36 điểm và đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh này giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Đứng thứ hai là Đồng Tháp, một tỉnh thuộc vùng Đông bằng Sông Cửu Long.

Sáng nay (28/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức công bố báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink phát biểu: Năm nay chỉ số PCI đạt mức cao nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện báo cáo năm 2005. PCI đã trở thành một báo cáo rất được coi trọng và có tác động to lớn, giúp thúc đẩy cải cách kinh tế, nhằm khuyến khích tính minh bạch, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Quảng Ninh vô địch, Đồng Tháp là á quân về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 - 1

Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018

Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 DN, trong đó gần 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành phố và trên 1.5000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 địa phương.

Được biết, tỉnh Đồng Tháp năm nay tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Lần lượt vị trí thứ 3 và thứ 4 là Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm).

Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10, tỉnh thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP.HCM. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An và Bình Đình....

Nhóm cuối trong PCI 2018 là Đắk Nông, Lai Châu, Bình phước, Bắc Kạn và Kon Tum. Trong đó, tỉnh Đắk Nông đứng vị trí cuối cùng.

Điều tra PCI năm 2018 cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho DN tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến tõ nét.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các DN kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp phép kinh doanh, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường....

PCI 2018 cho biết mức độ lạc quan của các DN về triển vọng kinh doanh thời gian tới tiếp tục ở mức tương đối cao, 49% DN dân doanh và 56% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tuy nhiên, điều tra năm qua cũng cho thấy dấu hiệu gia tăng tỷ lệ DN đang gặp khó khăn trong hoạt động, trong đó phần lớn là DN tư nhân nhỏ và siêu nhỏ. Trong quá trình này, vai trò của các cấp chính quyền cấp tỉnh đang ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

"Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới", ông nói.

Nguyễn Tuyền