1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Quảng Bình: Xây nhà đẹp, sắm “xế hộp” xịn nhờ nuôi lợn trong phòng lạnh

(Dân trí) - Từ một anh nông dân chất phác, quanh năm lam lũ với cây lúa nước và ít rừng trồng, nhưng từ khi bão “cướp” mất rừng, trồng lúa chỉ đủ ăn, anh đã “liều mạng” bàn với người em “cọc chèo” vay vốn mở trang trại lợn khép kín với hệ thống phòng lạnh. Sau hơn 3 năm, trang trại đã cho thu nhập khấm khá. Nhờ đó, các anh đã xây được nhà đẹp và mua "xế hộp" tiền tỷ.

“Vũ khùng” nuôi lợn trong phòng lạnh

Cho đến tận bây giờ, khi nói về thành công của hai người anh em “cọc chèo” Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung (thôn Lê Xá, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) trong việc chăn nuôi lợn khép kín với hệ thống phòng lạnh, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy vẫn chưa thể quên được những lời đàm tiếu của người dân khi mô hình này mới triển khai.

“Thời gian đầu khi anh Vũ và anh Trung mở trang trại chăn nuôi lợn trong phòng lạnh, nhiều người dân địa phương cho rằng hai anh em “cọc chèo” nhà này bị khùng, ai đời mô mà lại cho lợn ở phòng lạnh. Đúng là đồ bị khùng”, ông Vương nhớ lại.

Trang trại lợn đang “ăn nên làm ra” của anh Vũ và anh Trung nằm giữa khu rừng tràm cách xa khu dân cư, có diện tích 1,2 ha. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại lợn VIP, anh Vũ vừa kể: Trước đây, anh vốn là một nông dân chất phác, quanh năm lam lũ với cây lúa nước và trồng rừng. Tuy nhiên, sau cơn bão lớn năm 2013, hơn 2ha rừng keo bị cuốn theo bão. Trồng lúa thì may ra cũng chỉ đủ ăn. Còn Trung vốn là kỹ sư xây dựng, từng đi làm ăn khắp nơi nhưng cuộc sống vẫn chẳng khấm khá gì.

Trăn trở chuyển hướng làm ăn với mong muốn sớm thoát cảnh nghèo khó, đầu năm 2015, anh Vũ quyết “liều mạng” bàn bạc với Trung góp vốn mở trang trại chăn nuôi lợn khép kín với hệ thống làm lạnh có diện tích 1.600m2, tổng mức đầu tư ban đầu 1,2 tỷ đồng. Theo thiết kế, chuồng nuôi có quy mô 1.200 con lợn thịt. Mỗi năm, trang trại chỉ nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 5 tháng, sau đó tổng vệ sinh và để trống chuồng chừng 1 tháng để bảo đảm cách ly an toàn.

Ảnh 1.jpg

Mô hình nuôi lợn của hai anh em “cọc chèo” Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung

“Tiêu chí nuôi lợn của chúng tôi là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng tôi đã nuôi theo chuẩn VietGAP, xây chuồng lạnh theo quy trình khép kín. Hiện tại, chuồng nuôi lợn có hệ thống giàn mát, điều hòa nhiệt độ trong chuồng dao động ở mức 27-300C. Ngoài ra, để bảo đảm môi trường, chúng tôi còn đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống biogas, phân được lọc qua hầm thô, sau đó máy hút khí qua bể lọc có thể sử dụng nhu cầu dùng điện trong trại, còn hầm phân tươi thì sẽ ủ với lá cây cho hoai mục", anh Vũ chia sẻ.

Nhờ đó, dù nuôi số lượng lớn nhưng khi bước vào khuôn viên trang trại hầu như không hề có mùi hôi. Về giống, trang trại nhập từ Công ty TNHH lợn giống Dabaco ở Hà Nam và một số công ty khác trên cả nước. Tiêu chí của lợn giống phải đủ 5 tuần tuổi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và có giấy kiểm dịch thú y trước khi nhập chuồng.

Thu nhập tiền tỷ/năm, xây nhà đẹp, sắm “xế hộp” xịn

Anh Vũ cho biết, thông thường, lợn xuất nguyên chuồng sẽ được Công ty TNHH Thực phẩm Hai Thuyên ở Đà Nẵng thu mua với giá 42.000 đồng/kg lợn hơi. Như vậy, mỗi năm trang trại cũng cho lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng/2 vụ.

Cũng nhờ nuôi lợn mà anh Vũ và anh Trung đã xây mới được 2 ngôi nhà khang trang với số tiền 2,4 tỷ đồng, mua chiếc xe ô tô mới gần 1,1 tỷ đồng.

Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung cũng đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đó là thời điểm khi vừa xây chuồng trại xong thì hết vốn để mua lợn giống, thức ăn. Để giải quyết vấn đề này, hai anh đã mượn tới 4 sổ đỏ của bà con và 2 sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng. Tuy nhiên, khốn khó thêm chồng chất khi cuối năm 2016, trận lũ lớn khiến đàn lợn chết gần hết.

Chưa ngóc đầu lên được sau cơn bĩ cực ấy thì vào đầu năm 2017, giá lợn lại rớt thê thảm khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng. Những lúc khó khăn như thế, ngoài sự động viện, giúp đỡ của huyện, tỉnh thì hai anh em Vũ và Trung đã “đồng cam, cộng khổ”, quyết không nản chí để vượt qua mọi khó khăn. “Thú thực, có những thời điểm hai anh em dường như cả tuần không chợp mắt được tí nào, nhiều lúc muốn ngủ tý nhưng vì lo lắng cho đàn lợn nên cũng chẳng thể nào ngủ được”, anh Trung nhớ lại những ngày tháng trắng đêm cùng đàn lợn.

Ảnh 2.jpg

Nhờ chăn nuôi lợn, anh Vũ xây được nhà khang trang, mua được xe ô tô tiền tỷ.

Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai, anh Trung cho biết, hiện tại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đang hỗ trợ trang trại thực hiện mô hình chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch theo chuỗi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cũng hỗ trợ xây dựng một khu giết mổ để giúp trang trại hoàn thiện quy trình khép kín này.

“Khi khu giết mổ hoàn thành và đưa vào sử dụng trang trại sẽ cho ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch thương hiệu An Phát. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu về máy ép bánh phân khô nhằm tận dụng nguồn phân chuồng đã được ủ hoai để cung cấp cho những hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”, anh Trung bộc bạch.

Đặng Tài – Việt Hà

banner_chan-bai.gif