1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quán nhậu làm ăn tốt phải đóng cửa, siêu thị ế ẩm chuyển bán online vì dịch

(Dân trí) - Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm mùa dịch đóng cửa đã đành, nhưng một số quán có khách vẫn đóng cửa vì sợ lây lan dịch. Các siêu thị thì chuyển bán online vì người dân không dám ra đường.

Đang làm ăn tốt vẫn đóng cửa vì sợ lây lan dịch

Tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến khó lường, do đó chị Phạm Hà (Gia Lâm, Hà Nội) đã quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 12/3.

Sở dĩ có quyết định này dù cửa hàng vẫn đang hoạt động ổn định là bởi, chị Hà và chị gái đều đang có em bé. Vì thế, ưu tiên hàng đầu lúc này là sức khoẻ của cả gia đình. 

Quán nhậu làm ăn tốt phải đóng cửa, siêu thị ế ẩm chuyển bán online vì dịch - 1

“Giờ có “cố đấm ăn xôi" thêm nửa tháng hay 1 tháng mà nhỡ có người bị thì ảnh hưởng rất nhiều tới quán. Từ ngày mở quán tới giờ, dù nắng gắt hay mưa giông cũng chưa từng đóng cửa, nhưng không thể chủ quan với dịch", chị Hà nói.

Dân Thủ đô rủ nhau nuôi lợn mán mùa dịch

Để tránh thâm hụt chi tiêu và ứng phó với dịch bệnh, một số hộ gia đình tại phố Chùa Láng đã rủ nhau nuôi lợn mán. Thức ăn hằng ngày của lợn mán được mọi người tận dụng từ thực phẩm thừa tại các nhà hàng, quán ăn quanh khu vực.

Quán nhậu làm ăn tốt phải đóng cửa, siêu thị ế ẩm chuyển bán online vì dịch - 2

Đàn lợn mán được mọi người trong xóm nuôi chung từ trước Tết theo kiểu tự cung tự cấp chứ không đem kinh doanh. Tất cả những chú lợn mán đủ tháng sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh. Đây sẽ là nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhiều hộ gia đình tại đây.

Rau củ trái cây Trung Quốc đã về lại chợ đầu mối

Từ ngày 20-2 đến nay hàng Trung Quốc về chợ đã bình thường, giá cả không biến động thậm chí có mặt hàng giảm nhẹ.

Theo đó, nấm kim châm 45.000 đồng/kg; bông cải trắng giảm 3.000 đồng còn 22.000 đồng/kg, quýt giảm 5.000 đồng còn 15.000 đồng/kg, táo giảm 1.000 đồng còn 25.000 đồng/kg, lê 20.000 đồng/kg…

Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, lượng hàng nhập chợ bình quân 3.400 tấn/đêm. Hiện nay, hàng Trung Quốc đã về chợ trở lại, giá ổn định. Trong đó lượng rau, gia vị Trung Quốc chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 7%-8%.

Giúp việc Hà Nội đồng loạt nghỉ việc, bỏ về quê

Sau Tết, nhiều giúp việc đã nghỉ không quay trở lại Hà Nội làm khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh học sinh được nghỉ học, càng không có người ở nhà trông trẻ.

Không ít người đã gọi điện đến nhiều trung tâm giúp việc ở Hà Nội mong muốn tìm cô giáo mầm non đang nghỉ dịch ở nhà để trông con. Họ sẵn sàng trả bất cứ chi phí, yêu cầu nào của trung tâm để tìm được người giúp việc ưng ý. Bởi ngoài trông cháu, chị còn muốn cô sẽ giúp con học chữ, tập tô trong thời gian nghỉ học.

Tuy nhiên, không chỉ các gia đình mà nhiều trung tâm môi giới giúp việc ở Hà Nội cũng đau đầu khi thấy nhân viên nghỉ việc. Đơn cử, một trung tâm giúp việc trên đường Hà Đông (Hà Nội) có tới 3/4 nhân sự đột ngột bỏ về quê khi nghe tin Hà Nội có ca dương tính đầu tiên với Covid-19.

Kinh doanh online, "vị cứu tinh" giải cứu quán hàng thời dịch

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi, đặc biệt là phương thức mua hàng, chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp. Không chỉ với người tiêu dùng mà nhiều quán hàng cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với sân chơi hiện tại.

Theo chủ 1 cửa hàng bán thực phẩm sạch tại Hà Nội, họ phải thuê thêm 2 nhân viên để giao hàng cho khách. Từ khi dịch, người dân ngại ra đường và lui tới nơi đông người nên quán hàng bỗng trở nên vắng vẻ.

Để ứng phó với tình hình, chủ hàng này phải tính đến phương án là chuyển sang kinh doanh online. Các mặt hàng sẽ được chị đăng tải trên mạng xã hội, khách có nhu cầu chỉ cần để lại lời nhắn, địa chỉ nhận đồ là nhân viên sẽ mang đến tận nơi.

“Không phải đến bây giờ cửa hàng mới kinh doanh online mà trước kia tôi đã làm rồi nhưng không hiệu quả. Bởi tâm lý chung của mọi người là vẫn thích mua hàng trực tiếp. Nhưng có lẽ, mùa dịch chính là bước ngoặt để người dân thay đổi nhận thức. Giờ đâu phải cứ mua sắm là xách làn đi chợ, thói quen ấy chỉ đúng với 10 về trước” - chị Thúy nói.

Thế Hưng