1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Nam:

Quán Hương-làng nghề 250 tuổi nhộn nhịp tháng cận Tết.

(Dân trí) - Thời điểm này, người dân làng hương truyền thống Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) đang vào chính vụ sản xuất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Làng nghề Quán Hương ra đời cách đây hơn 250 năm và đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2004, làng nghề được khôi phục và được tỉnh Quảng Nam công nhận “Làng nghề hương truyền thống Quán Hương”. Làng được đầu tư quy hoạch, xây dựng cổng làng, nhà truyền thống, đường bê-tông liên xóm… để tạo thuận lợi cho việc sản xuất.

Không khí nhộn nhịp, hối hả bao phủ khắp làng hương. Mọi người đều cố gắng nhanh nhất có thể, để có được sản phẩm cung ứng nhu cầu thị trường Tết
Không khí nhộn nhịp, hối hả bao phủ khắp làng hương. Mọi người đều cố gắng nhanh nhất có thể, để có được sản phẩm cung ứng nhu cầu thị trường Tết

Làng có hơn 180 hộ dân, trong đó 100 hộ làm nghề sản xuất hương với trên 300 lao động. Hàng năm làng sản xuất hơn 800 tấn hương, thị trường tiêu thụ khắp cả nước.

Trung bình mỗi ngày làng Quán Hương sản xuất gần 5 tấn hương thành phẩm các loại và chỉ sản xuất 6 tháng/năm. Vào dịp Tết, mỗi ngày làng sản xuất khoảng 15 tấn.

Hương sản xuất được phơi khắp hiên nhà, ngõ xóm, đường bê tông liên thôn dẫn vào làng nghề truyền thống
Hương sản xuất được phơi khắp hiên nhà, ngõ xóm, đường bê tông liên thôn dẫn vào làng nghề truyền thống

Trước đây, dân làng thường làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương, sau đó, việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng bằng máy đạp chân.

Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách hàng.

Một phần của tăm hương được nhúng vào sơn đỏ để tăng độ bền dẻo và cứng. Sau đó tăm hương được bó lại và đem phơi khô. Thông thường vào vụ Tết, các hộ thường sản xuất tăng 2-3 lần ngày thường
Một phần của tăm hương được nhúng vào sơn đỏ để tăng độ bền dẻo và cứng. Sau đó tăm hương được bó lại và đem phơi khô. Thông thường vào vụ Tết, các hộ thường sản xuất tăng 2-3 lần ngày thường

Nghề làm hương tại làng thu hút mọi lứa tuổi tham gia, từ trung niên là lực lượng lao động chính đến các cụ già và em nhỏ. Người dân trong làng làm nghề quanh năm nhưng trong dịp Tết là nhộn nhịp nhất. Để kịp giao các đơn hàng xa, những ngày này người dân Quán Hương còn tranh thủ làm tới 1-2 giờ sáng.

Để tạo kết dính cho bột quế, bột thường được trộn bằng chất keo của cây bời lời. Ở đây, nguyên liệu bột làm từ cây quế nổi tiếng của Quảng Nam
Để tạo kết dính cho bột quế, bột thường được trộn bằng chất keo của cây bời lời. Ở đây, nguyên liệu bột làm từ cây quế nổi tiếng của Quảng Nam

Gắn bó với nghề làm hương đã hơn 18 năm, chị Trần Thị Thúy (chủ một cơ sở sản xuất hương) cho biết, việc sản xuất hương ngày Tết tuy vất vả nhưng làm tới đâu tiêu thụ tới đó nên ai cũng phấn khởi. Ngoài 4 thành viên trong gia đình, chị còn thuê thêm 3 người khác để kịp giao hàng cho khách. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của mỗi lao động đạt từ 3,5-4 triệu/tháng, trong tháng cận Tết có thể tăng gấp đôi.

Bột sau khi được trộn nhuyễn sẽ cho vào máy để ép chặt vào cây tăm
Bột sau khi được trộn nhuyễn sẽ cho vào máy để ép chặt vào cây tăm

“Bình thường cơ sở tôi sản xuất khoảng 1 tạ bột/ngày, đến đợt tết thì tăng lên 2 tạ/ngày khi trời nắng ráo. Làm Tết vất vả là vậy nhưng được cái tiêu thụ rất nhanh, hàng để dành từ trong năm đến Tết là tiêu thụ hết”- chị Thúy chia sẻ thêm.

Nhờ cải tiến công nghệ mà sản phẩm làm ra nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng
Nhờ cải tiến công nghệ mà sản phẩm làm ra nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng

Nét đặc trưng trong sản phẩm làng Quán Hương là bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My (một loại đặc sản của vùng đất xứ Quảng) và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng đất Tây Nguyên. Chính vì vậy thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và không gây hại sức khỏe.

Sau khi kết bột, cây hương sẽ được mang đi phơi nắng trong khoảng 4 giờ cho khô. Theo ông Nguyễn Tấn Kỳ (người sản xuất hương lâu năm) tại đây cho biết, hương phải được phơi đủ nắng mới lên mùi thơm, nếu gặp mưa ẩm mốc dễ hỏng
Sau khi kết bột, cây hương sẽ được mang đi phơi nắng trong khoảng 4 giờ cho khô. Theo ông Nguyễn Tấn Kỳ (người sản xuất hương lâu năm) tại đây cho biết, hương phải được phơi đủ nắng mới lên mùi thơm, nếu gặp mưa ẩm mốc dễ hỏng

Để đảm bảo thương hiệu, chất lượng hương, ở làng nghề hiện nay đã có 6 hộ đầu tư máy móc, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất; trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng hơn 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại.

Sau khi hương phơi khô, được bó thành hình lục giác rồi đóng gói. Giá hương ngày Tết thường cao hơn 4-5 lần so với ngày thường, do giá nguyên liệu tăng cao và phải làm tỉ mỉ hơn
Sau khi hương phơi khô, được bó thành hình lục giác rồi đóng gói. Giá hương ngày Tết thường cao hơn 4-5 lần so với ngày thường, do giá nguyên liệu tăng cao và phải làm tỉ mỉ hơn
Hương được đóng gói tỉ mỉ, cho vào thùng xốp để giữ mùi
Hương được đóng gói tỉ mỉ, cho vào thùng xốp để giữ mùi

Ông Võ Tấn Hiếu (Trưởng Ban đại diện làng nghề Quán Hương) cho biết: “Để tăng năng suất, các hộ gia đình đã đầu tư hơn 50 máy làm hương tự động. Mỗi năm sản phẩm làng nghề còn được phòng kinh tế-hạ tầng huyện Thăng Bình chọn đi tham gia quảng bá ở các hội chợ thương mại do tỉnh Quảng Nam tổ chức, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng”.

Hương được xuất bán khắp các thị trường từ Bắc chí Nam, có khi còn xuất sang Lào
Hương được xuất bán khắp các thị trường từ Bắc chí Nam, có khi còn xuất sang Lào

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, hiện làng cũng tồn tại nhiều khó khăn, đó là thiếu vốn và mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất. Những ngày nắng ráo, người dân phải tận dụng từng mặt đường, con ngõ, mái nhà, sân thượng để phơi hương. Nhưng những ngày mưa dầm, sản xuất phải dừng lại vì không có nơi phơi.

Làng nghề Quán Hương nhộn nhịp vào Tết

Từ nghề truyền thống của cha ông truyền lại, với sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng nghề Quán Hương đang từng ngày khởi sắc. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của làng chỉ con dưới 1%, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

N.Linh