1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Quần áo tại các chợ đầu mối lớn đều là hàng Trung Quốc"

(Dân trí) - Nói rõ hơn về câu chuyện hàng may mặc Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, lãnh đạo Vinatex cho hay, không có quốc gia nào có vị trí thuận tiện cho việc đưa hàng từ Trung Quốc sang giống như Việt Nam và nếu phủ kín Việt Nam thì cũng chỉ tương đương 2% năng lực sản xuất của nước này.

Quần áo ở các chợ đầu mối trên nếu không là hàng Trung Quốc thì sẽ là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, vải không rõ nguồn gốc.
Quần áo ở các chợ đầu mối trên nếu không là hàng Trung Quốc thì sẽ là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, vải không rõ nguồn gốc.

Báo cáo tại Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016-2020 mới đây, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho hay, kết quả khảo sát tại 6 chợ bán buôn hàng may mặc, gồm chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, chợ Rồng, chợ Nghệ, chợ Sắt và chợ Soái Kinh Lâm cho thấy, với 420 phiếu được phát ra, 100% ý kiến phản hồi đều cho rằng quần áo ở đây có xuất xứ Trung Quốc và chủ yếu để bán buôn (80%).

Theo ông Trường, quần áo ở các chợ đầu mối trên nếu không là hàng Trung Quốc thì sẽ là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, vải không rõ nguồn gốc. Những mặt hàng này sẽ được đưa về nông thôn hoặc bán cho các cửa hàng thời trang, shop online.

"Nếu so với hàng hiệu chính hãng, giá những mặt hàng này chỉ bằng 20-30% và nếu so với sản phẩm của các doanh nghiệp Việt có thương hiệu thì chỉ bằng 30-40%. Dù doanh thu nội địa hàng năm trung bình trên 146.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi cũng đang phải cạnh tranh gay gắt để giữ, dành miếng bánh thị phần tại thị trường Việt. Sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước làm giảm tính linh hoạt của các thương hiệu nội địa, đẩy giá sản phẩm lên cao", ông Trường cho biết.

Nói rõ hơn về câu chuyện hàng may mặc Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, lãnh đạo Vinatex cho hay, không có quốc gia nào có vị trí thuận tiện cho việc đưa hàng từ Trung Quốc sang giống như Việt Nam và nếu phủ kín Việt Nam thì cũng chỉ tương đương 2% năng lực sản xuất của nước này.

"2% là số dư cho phép trong sản xuất, thậm chí người ta còn dự phòng lên đến 3%. Giá thành sản xuất đã tính cho người mua thật rồi, lãi còn lại nằm ở phần dư cho phép, nghĩa là bán được bao nhiêu thì thu lời bấy nhiêu. Đó chính là lý do vì sao khi anh em kinh tế phân tích 1 sản phẩm Trung Quốc không thể tìm ra được lý do họ bán được giá với giá thấp như vậy. Điều đó khiến họ hoàn toàn cạnh tranh được với chúng ta", ông Trường phân tích.

Theo ông Trường, lý do khiến hàng Trung Quốc tại các chợ được ưa chuộng hơn còn do buôn bán tại thị trường nội địa Việt Nam, phần lớn không cần hoá đơn chứng từ, nhưng nếu vào cửa hàng chính quy thì phải tính thuế. Do đó, nếu bằng giá thành sản xuất nhưng kinh doanh theo phương thức buôn bán ở chợ thì đã tiết kiệm được 15% chi phí. Chính chênh lệch này khiến người mua trung gian có lợi hơn so với buôn bán hàng chính hãng của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, nếu không giải quyết được câu chuyện hàng nhập lậu, hàng trôi nổi, không chứng từ thì rất khó cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh.

"Ngoài ra, tại Việt Nam hành vi tiêu dùng đã cải thiện nhưng rõ ràng tới thời điểm này các trung tâm thương mại không phải là chủ đạo, nhất là khu vực người có thu nhập trung bình và trung bình thấp người ta vẫn quen mua tại các cửa hàng. Nhưng cửa hàng cũng không ai dám phát triển mạnh bởi nhiều rủi ro nhưng bị chủ nhà huỷ hợp đồng thuê sớm còn mua đứt cửa hàng thì khó doanh nghiệp nào làm được. Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước phải liên kết để phát triển cửa hàng đa dạng, có hàng hoá bổ sung nhau thì mới cạnh tranh được", ông nói thêm.

Phương Dung