1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quà tặng truyền thống “hút” khách dịp Đại lễ

(Dân trí) - Phố phường rộn ràng, người dân khắp cả nước và khách quốc tế về Hà Nội mang tâm trạng rất náo nức với không khí kỷ niệm nghìn năm có một. Tại Đại lễ, những quà tặng truyền thống như: cờ tổ quốc, tranh thêu, nón lá, áo dài… rất hút khách.

Nguyễn Thái Học, Hàng Bông được gọi là phố tranh của Hà Nội. Trên tuyến phố này bán rất nhiều loại tranh thêu, tranh sơn mài, tranh đá. Mỗi bức tranh là một vẻ đẹp, là những hình ảnh thu nhỏ của Tháp Rùa, hồ Gươm, phố cổ, cầu Long Biên, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám…
 
Chị Hà (chủ một cửa hàng tranh trên phố Nguyễn Thái Học) cho biết: Dịp Đại lễ này cửa hàng nhà tôi bán khá chạy, khách chủ yếu là người dân các tỉnh miền trong và người nước ngoài.
 
Là người ở Hà Nội và bán tranh lâu năm, nhiều người đến cửa hàng của tôi mua tranh vẫn nói rằng mua quà tặng, đồ lưu niệm thì tranh vẫn là dễ chọn nhất, đặc biệt trong dịp Đại lễ này thì tranh càng có ý nghĩa hơn về mặt tinh thần khi mà các sản phẩm này đều là hình ảnh gắn liền với Hà Nội.
 
Quà tặng truyền thống “hút” khách dịp Đại lễ - 1
Hình ảnh này là một trong những cách du khách thể hiện tình cảm với Hà Nội (ảnh: Phong Nguyên)
 
Tranh trên phố Nguyễn Thái Học và Hàng Bông được thêu tay thủ công, cũng có nhiều sản phẩm mang tính chất “mỳ ăn liền” nhưng vẫn thu hút sự chú ý của du khách về Hà Nội.
 
Giá tranh cũng khác nhau tùy theo vật liệu và hình thức thể hiện, trong những loại tranh thông thường khổ nhỏ có giá từ 120.000 - 170.000 đồng, cao hơn là từ 250.000 - 350.000 đồng; loại tranh được gọi là đẹp có giá từ 450.000 - 600.000 đồng, tranh thêu tay có chất liệu chỉ đẹp và cao cấp hơn được bán với giá từ 900.000 - 1,7 triệu đồng.
 
Chị Mary (du khách Anh) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được đến Hà Nội đúng dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Thủ đô của các bạn thật tuyệt vời! Sau ngày 10/10, tôi sẽ rời Việt Nam, món quà tôi chọn mang về nước là 1 bức tranh thêu về phố cổ Hà Nội, tôi rất thích bức tranh ấy”.
 
Cũng mua tranh thêu nhưng bác Hoa (ở tỉnh Đồng Nai) chọn bức có hình ảnh Tháp Rùa giữa mặt nước hồ Gươm chiều thu Hà Nội. Bác Hoa lý giải: “Mỗi người có 1 cảm tình và ấn tượng riêng về Hà Nội, có thể nhiều người thích cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, có người lại thích cầu Long Biên, nhưng tôi thích ngắm Tháp Rùa, với tôi đó là biểu tượng của Hà Nội. Có lẽ không có dịp ra Hà Nội lần thứ 2, dự Đại lễ 2.000 năm càng không thể có nên mua được bức tranh này tôi thấy rất mãn nguyện”.
 
Tuyến phố Lương Văn Can kéo dài những ngày Đại lễ hấp dẫn khách du lịch bởi những mặt hàng như mặt nạ ông Địa, nón lá, đèn lồng, vải lụa và áo dài truyền thống.
 
Quà tặng truyền thống “hút” khách dịp Đại lễ - 2
Nón lá, áo cờ... những "đặc sản" nghìn năm có một (ảnh: Phong Nguyên)
 
Anh Học (chủ một cửa hàng bán áo dài trên phố Lương Văn Can) cho hay: “Người nước ngoài mua hàng dịp Đại lễ rất nhiều, họ không mặn mà lắm với những mặt hàng bày bán tràn lan trên thị trường mà thường cầu kỳ với những sản phẩm mang giá trị truyền thống. Có vị khách nước ngoài vào cửa hàng tôi thử đi thử lại bộ áo dài, nhưng vì khổ người, chiều cao khác với người Việt Nam nên họ tỏ ra rất tiếc. Món quà họ chọn sau đó là 1 chiếc nón lá”.
 
Cũng trong những ngày Đại lễ, loại quà tặng và sản phẩm thu hút giới trẻ không phải tranh thêu hay áo dài, nón lá mà là những chiếc áo phông, mũ lưỡi trai, băng rôn ngộ nghĩnh in hình trái tim và Hà Nội, những dòng chữ “Tôi yêu Hà Nội”…
 
Hấp dẫn với giá 5.000 đồng/chiếc băng rôn, 50.000 - 70.000 đồng/chiếc áo phông, không chỉ giới trẻ mà bất kỳ ai đến Hà Nội dự Đại lễ cũng đều tỏ ra thích thú. Nhiều người thích đeo băng rôn, thích dán hình trái tim ở giữa có ngôi sao 5 cánh lên má, trán; nhiều tốp sinh viên còn mặc áo cờ, cầm cờ đi chơi và ngắm Hà Nội.
 
Ngoài những mặt hàng trên, góp mặt trong thị trường quà tặng dịp Đại lễ phải kể tới những biểu tượng về Hà Nội, về các cô gái Việt Nam mặc áo dài và những di tích ngàn năm được làm bằng gỗ, gốm sứ và vải…
 
Quỳnh Anh