1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

PVN nói gì sau tin thêm một loạt lãnh đạo bị khởi tố?

(Dân trí) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc. Đồng thời, khẳng định, vụ việc này không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của Tập đoàn.

PVN cho biết, vụ việc này không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của Tập đoàn.
PVN cho biết, vụ việc này không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của Tập đoàn.

Ngày 31/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố điều tra đối với ông Ninh Văn Quỳnh (Phó Tổng Giám đốc) và một số nguyên cán bộ Tập đoàn về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thông tin về vụ việc này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát đi thông cáo cho biết, việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của Tập đoàn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) trong giai đoạn trước đây.

"Cho tới nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc", PVN cho biết.

Theo PVN, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với cá nhân nêu trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn. Ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, PVN đã triển khai thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Quỳnh và tổ chức phân công lại công việc trong ban lãnh đạo Tập đoàn để tiếp tục triển khai công việc, nhiệm vụ.

"PetroVietnam mong muốn được dư luận chia sẻ, cảm thông với những khó khăn khách quan và chủ quan của tập đoàn trong thời gian qua và tiếp tục ủng hộ tập thể người lao động dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn", thông cáo của PVN viết.

Như Dân trí đưa tin trước đó, vào năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.

Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.

Đáng lưu ý, trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.

Mới đây, trong phiên xét xử chiều 30/8, trước chất vấn của Hội đồng xét xử, ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã khai hàng loạt tên các cá nhân, tổ chức đã nhận tiền “chăm sóc” của bị cáo.

Khi tòa hỏi tên các cá nhân cụ thể, ông Sơn khai đã chi cho ông Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN “để Quỳnh cảm ơn các lãnh đạo PVN khoảng vài ba chục tỷ đồng”.

Phương Dung