1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

PVN mất 800 tỷ rót vào Oceanbank: Bộ Tài chính cho biết “đã cảnh báo từ trước"

(Dân trí) - "Bộ có trách nhiệm quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng chỉ một phần chứ không phải tất cả. Với vụ PVN đầu tư vào Oceanbank, chúng tôi chỉ cảnh báo chứ không làm thay được", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Liên quan tới việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) gây thất thoát 800 tỷ đồng khi đầu tư vào Oceanbank, tại buổi họp báo diễn ra chiều 27/9, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính khẳng định, khi phát hiện PVN đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm là ngân hàng, Bộ Tài chính đã khuyến cáo PVN phải rút vốn ngoài ngành.

Tuy nhiên, theo ông Tiến việc rút vốn nhanh hay chậm là trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV) của PVN và Bộ Công Thương.

"Bộ có trách nhiệm quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng chỉ một phần chứ không phải tất cả. Với vụ PVN đầu tư vào Oceanbank, chúng tôi chỉ cảnh báo chứ không làm thay được. Bộ Tài chính là nơi giữ tiền cho quốc gia, cho dân, một đồng bị mất đi cũng xót xa. Bộ cũng thấy có phần trách nhiệm ít nhiều ở trong đó. Tuy nhiên cơ bản, Bộ cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình là cảnh báo ngay từ đầu", ông Tiến nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về việc "cảnh báo ngay từ đầu", ông Tiến cho hay: “Tại hội trường này cách đây 3 năm, chúng tôi đã nói phải kiểm điểm lại. Trong danh mục đầu tư của doanh nghiệp có thể có cái lên cái xuống nhưng tổng thể phải bảo toàn vốn. Nhưng nếu cả danh mục đều không hiệu quả cả thì phải xem xét lại", ông Tiến cho biết.

Đối với trường hợp khoản đầu tư của PVN vào Oceabank, ông Tiến cho biết: "Thực tế đây là vi phạm pháp luật, không còn là đầu tư ngoài ngành nữa. Đã vi phạm pháp luật thì cho dù Bộ đã cảnh báo nhưng người ta cố tình làm sai chỉ có cơ quan pháp luật mới xử lý được”.

Như Dân trí đưa tin trước đó, năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.

Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.

Trước đó, theo chủ trương, PVN đã nhiều lần công bố sẽ thoái vốn hoàn toàn tại OceanBank. Tuy nhiên, do muốn đảm bảo yêu cầu "thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà vẫn bảo toàn vốn Nhà nước” nên kế hoạch này liên tục bị lùi lại.

Đáng lưu ý, trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.

Liên quan tới vụ việc này, Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch PVN và các thuộc cấp có trách nhiệm trong việc để thất thoát khoản đầu tư này.

Phương Dung