1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phương án sáp nhập PGBank và HDBank đang được xem xét

(Dân trí) - Cho rằng, sáp nhập PGBank - HDBank là một thương vụ tốt, tích cực và thời điểm lúc này cũng rất thuận lợi, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xây dựng phương án để trình Bộ Công Thương xem xét.


Phương án sáp nhập PGBank và HDBank đang được xem xét

Phương án sáp nhập PGBank và HDBank đang được xem xét

Petrolimex cho rằng, việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư của tập đoàn tại Ngân hàng PGBank được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như Kiểm toán Nhà nước. Bản thân tập đoàn cũng đã thuê tư vấn chuyên nghiệp trên thị trường để xây dựng phương án cũng như lộ trình cụ thể, với tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là PGBank:HDBank là 1:0,621, tức 1 cổ phiếu của PGBank đổi được 0,621 cổ phiếu HDBank.

Thêm vào đó, HDBank cũng có kế hoạch chia cho cổ đông hiện hữu thêm 20% cổ phiếu thưởng trong thời gian tới. Do đó, nếu phương án sáp nhập được thông qua, Petrolimex cũng sẽ được chia thêm 20% cổ phiếu thưởng trên số cổ phiếu được hoán đổi sau khi sáp nhập.

Ngoài ra, nếu phương án sáp nhập được thông qua, sẽ tạo ra khoản thặng dư dự kiến tính theo thị trường sẽ vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là phần các cổ đông được hưởng, trong đó có cả cổ đông của Petrolimex.

Trước đó, đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của ngân hàng HDBank diễn ra hôm 21/4 cũng thông qua kế hoạch hợp tác chiến lược với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Một trong số nội dung được đề cập tại đại hội lần này liên quan đến việc sáp nhập ngân hàng PGBank vào HDBank.

Trước đó, PGBank từng là “con mồi” M&A của ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) song cũng trong sáng 21/4, tại đại hội cổ đông VietinBank, ngân hàng này cũng đã có tờ trình chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank. Thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) giữa Vietinbank và PGBank từng kéo dài hơn 2 năm, tốn nhiều giấy mực của báo giới song cuối cùng đã thất bại sau nhiều vòng đàm phán không đi đến thống nhất.

HDBank đã trải qua hơn 27 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, hiện là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam với 240 chi nhánh, hơn 13.000 nhân viên. Năm 2013, HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng SGVF (thuộc tập đoàn tài chính Societe Generale cộng hòa Pháp).

Tính đến 31/12/2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng, tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%. Ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank chính thức được giao dịch trên Sàn chứng khoán TP.HCM. Theo dự kiến, tổng tài sản cuối năm 2018 của HDBank là 242.865 tỷ đồng, tăng 28%. Tổng huy động 222.184 tỷ đồng, tăng 30%, nợ xấu dưới 2%.

Trong khi đó, PG Bank tiền thân là ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Đến ngày 2/8/2012, PG Bank tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Đến nay, PG Bank có tổng số 81 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc với gần 1.500 nhân viên. Hội sở chính của Ngân hàng đặt tại Hà Nội.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 25.000 tỷ đồng.

H.Anh

Phương án sáp nhập PGBank và HDBank đang được xem xét - 2