1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phú Yên: Tiểu thương bỏ chợ đêm vì buôn bán ế ẩm

(Dân trí) - Dù chỉ mới khai trương và đưa vào hoạt động không lâu nhưng đến nay các tiểu thương ở chợ đêm thành phố Tuy Hòa rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều người đã dừng kinh doanh hoặc sang nhượng sạp để chuyển đi nơi khác buôn bán.

Tháng 8/2016, chợ đêm Tuy Hòa được chính thức khai trương và đưa vào hoạt động, với tiêu chí phục vụ cho khách du lịch đến với Phú Yên có nơi vui chơi giải trí về đêm.Theo quy hoạch chợ có 155 gian hàng với 108 gian hàng tiêu dùng và 47 gian hàng ẩm thực.

Cổng chợ đêm Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, Phú Yên)
Cổng chợ đêm Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, Phú Yên)

Theo các tiểu thương ở chợ thì chợ hoạt động sầm uất nhất từ những ngày đầu khai trương, và trước Tết âm lịch. Nhưng sau đó, do ảnh hưởng thời tiết và hình thành hội chợ Xuân và chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa cũng tổ chức bán hàng vào ban đêm nên đã chia sẻ lượng khách hàng. Mất khách dẫn đến doanh thu của tiểu thương chợ đêm cũng sụt giảm mạnh, nhiều tiểu thương lỗ tiền thuê nhân công, phí chợ nên đành bỏ chợ tìm công việc khác.

Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, tiểu thương chợ đêm TP. Tuy Hòa chia sẻ: "Hiện tại việc mua bán, kinh doanh của tôi đem lại doanh thu không cao, một đêm khoảng vài trăm nghìn thôi. Với mức thu như vậy thì chúng tôi không đủ chi phí để trang trải so với sức lao động mình bỏ ra. Mặt khác người mua thì càng ngày càng ít, tình hình rất khó khăn cho tiểu thương ở chợ này".

Đến nay, trong 155 gian hàng đăng ký thì chỉ có hơn chục gian hàng mở cửa buôn bán, số còn lại thì sang nhượng sạp, hoặc nghỉ bán. Số người đến tham quan, mua sắm lác đác và chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên. Theo các tiểu thương, doanh thu bán từ sau Tết âm lịch đến nay rất thấp, cao nhất cũng khoảng 200 nghìn đồng/đêm.

Các gian hàng vắng khách mua
Các gian hàng vắng khách mua

Chị Trịnh Thị Quỳnh Linh, Tiểu thương chợ đêm TP. Tuy Hòa nói: "Tôi mong muốn các cấp cách ngành xem xét giảm các khoảng thu xuống một ít để khuyến khích tiểu thương bán trong giai đoạn đầu. Nếu sau này lượng khách ổn định thì có thể điều chỉnh sau. Và cũng mong muốn thêm tỉnh có những bước quy hoạch mới để xây chợ kiên cố giống như chợ ngày thì sẽ thu hút được nhiều tiểu thương cũng như khách hàng đến mua sắm hơn".

Với những loại hình kinh doanh như hiện nay, chợ đêm được quy hoạch giống như hội chợ, chủ yếu là ăn uống và quần áo. Quần áo được bày bán chủ yếu với mức giá sinh viên, mẫu mã chưa phong phú nên chưa thu hút được người mua, nhưng so với mức phí hiện tại thì khá cao.

Chị Nguyễn Thị Huệ cho biết, hiện tại chị và các tiểu thương phải đóng phí là 10 triệu đồng/lô/năm. Ngoài ra mỗi ngày, các tiểu thương phải đóng thêm phí dịch vụ là 35 nghìn đồng/lô, với tình hình kinh doanh như vậy thì đây là mức phí khá cao với chúng tôi.

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Tổng thư kí CLB Doanh nghiệp và Doanh nhân tiêu biểu tỉnh cho biết: "Hiện tại tôi đã nắm được tình hình buôn bán ế ẩm của tiểu thương tại chợ đêm. Trước tình hình đó, sắp đến chúng tôi sẽ xin chỉ đạo của cấp trên để chọn một địa điểm phù hợp để xây dựng một chợ mới cho tiểu thương buôn bán. Đồng thời cho kinh doanh nhiều mặt hàng có dấu ấn đặc sắc để chợ đêm thực sự là một ấn tượng đẹp cho mỗi du khách đến với thành phố Tuy Hòa.

Có gian hàng chẳng có một bóng dáng khách đến mua
Có gian hàng chẳng có một bóng dáng khách đến mua

Để tiểu thương gắn bó buôn bán tại chợ, hiện tại đơn vị quản lý chợ đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động chợ đêm, trong đó có biện pháp cho tiểu thương đăng kí bán miễn phí, nhưng tình trạng tiểu thương bỏ chợ vẫn tiếp diễn. Với thực trạng như hiện nay, để chợ đêm hoạt động hiệu quả, lâu dài, ngoài sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, các tiểu thương cũng cần tự mình đa dạng các mặt hàng, cũng như tăng chất lượng sản phẩm để khách hàng có nhiều sự lựa chọn và từ đó thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Trung Thi