1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phó Thủ tướng yêu cầu tháo mọi vướng mắc để cao tốc Bắc-Nam về "đúng lịch"

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành trung ương liên quan trực tiếp đến cơ chế, chính sách của dự án cao tốc Bắc Nam phải giải quyết các vướng mắc, phát sinh nhằm đảm bảo hoàn thành các đoạn tuyến của dự án đúng tiến độ vào năm 2021 như Quốc hội phê duyệt.

Tại Văn phòng Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với các bộ ngành liên quan để giải quyết các vấn đề vướng mắc của dự án cao tốc Bắc Nam, trong đó đặc biệt là cơ chế vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu tháo mọi vướng mắc để cao tốc Bắc-Nam về "đúng lịch" - 1

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Bộ GTVT đã đưa ra một loạt các khó khăn, vướng mắc xung quanh cơ chế thu hút vốn khủng cho dự án cao tốc Bắc Nam. Trong điều kiện các nhà đầu tư trong nước không dành nhiều sự quan tâm đến dự án cao tốc Bắc Nam, tổng vốn đầu tư quá lớn nên rất cần có nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài vào cuộc.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc Nam hầu hết có lịch trình khởi công vào cuối năm 2019 và năm 2020, nhiệm vụ kế hoạch hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, vướng mắc lớn là Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, tín dụng dài hạn cả trong nước lẫn ngoài nước cho các dự án này khá khó khăn.

Tổng mức đầu tư toàn dự án cao tốc Bắc Nam vào khoảng 118.700 tỷ đồng (5,2 tỷ USD), trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước vào khoảng 55.000 tỷ đồng (2,4 tỷ USD) chủ yếu phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng, còn lại nguồn vốn huy động từ PPP thông qua cơ chế BOT, BTO hoặc BT vào khoảng 63.700 tỷ đồng (2,8 tỷ USD).

Mặc dù có các chính sách phát triển các đoạn, tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc Nam, song theo báo cáo của các bộ ngành, nhà đầu tư chủ yếu là trong nước hoặc do bên cung cấp tín dụng là ngân hàng thương mại trong nước có quy mô không lớn.

Dự án lớn rất cần có nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia song cơ chế chỉ định thầu dự án và không đấu thầu công khai đang cản trở các nhà đầu tư nước ngoài "bước chân" vào các dự án.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, chủ trì, khẩn trương triển khai tốt các công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, không thất thoát, tiêu cực, đặc biệt bảo đảm các mốc tiến độ đã đề ra.

Các bộ, ngành phải xây dựng cơ chế, giám sát "đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng, tiến độ”, ông Dũng yêu cầu.

Hiện toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam được chia thành 11 đoạn, tuyến, trong đó có 3 đoạn sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 đoạn đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP - với BOT, BT và BTO).

Các đoạn sử dụng vốn ngân sách nhà nước là Cao Bồ-Mai Sơn; Cam Lộ-La Sơn; Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Đến nay, các đoạn này đã thống nhất được với cấp xã, huyện và UBND các tỉnh, Bộ NN&PTNT và các quân khu.

Riêng dự án Cầu Mỹ Thuận 2 đang làm việc để đạt thỏa thuận cuối cùng với các bộ, ngành liên quan. Các dự án đầu tư theo hình thức PPP được chia thành 2 nhóm theo tiến độ. Nhóm 1 ưu tiên triển khai sớm gồm 3 đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; Quốc lộ 45-Nghi Sơn; Phan Thiết-Dầu Giây dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật trong tháng 6 và đầu tháng 7/2018; sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2019.

5 đoạn trong nhóm ưu tiên 2 gồm Nghi Sơn-Diễn Châu; Diễn Châu-Bãi Vọt; Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo-Phan Thiết dự kiến triển khai muộn hơn khoảng 1 tháng, mục tiêu là chọn được nhà đầu tư từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2020.

Tháng 11/2017, khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, có nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Nguyễn Tuyền

Phó Thủ tướng yêu cầu tháo mọi vướng mắc để cao tốc Bắc-Nam về "đúng lịch" - 2