1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Làm chính sách thế khác gì đánh đố dân?"

(Dân trí) - “Chỗ người ta cần nhiều tiền thì cho vay ít, chỗ không có nhu cầu lại cho vay nhiều. Làm chính sách thế khác gì đánh đố dân? Tại sao lại không nới hạn mức vay vốn để tạo điều kiện cho bà con? Đừng để cái khó bó cái khôn, phải để cái khó ló cái khôn!”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói.

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt ra vấn đề như vậy trong buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, chiều 16/6.

Cầm 20 triệu trong tay có thể thay đổi cuộc đời?

Cuộc họp đầu tiên tại NHCSXH trên cương vị Phó Thủ tướng của ông Vương Đình Huệ diễn ra trong ngày Hà Nội “hạ nhiệt” sau đợt nắng nóng gay gắt, thế nhưng cái “nóng” lại bắt đầu ngay từ lời mở đầu khi điều hành: “Hiếm có cuộc họp nào bàn về chính sách cho người nghèo mà lại đông đủ các tổ chức, đoàn thể, thành phần lãnh đạo chủ chốt từ trung ương tới Hà Nội như hôm nay. Các đồng chí đại diện cho người dân, vậy hãy đứng ở vị trí của người dân để nêu ý kiến và xem cách giải quyết nào là tốt”.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Muốn chính sách đi vào cuộc sống thì phải bám sát người dân! (ảnh: Chính phủ)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Muốn chính sách đi vào cuộc sống thì phải bám sát người dân!" (ảnh: Chính phủ)

Phó Thủ tướng cho biết khi ông đi công tác Tây Nguyên, nói chuyện và nghe bà con bày tỏ nguyện vọng muốn vay 100 - 150 triệu đồng để làm kinh tế nhưng không được, lí do là vì hạn mức chỉ được vay 50 triệu. Do có nhu cầu thật nên người dân được vay vốn họ rất có ý thức với nợ nần, bà con có thể nhận trợ cấp gạo của Chính phủ để ăn, nhưng lại mang gà vịt ra chợ bán lấy tiền trả lãi ngân hàng, điều này cho thấy họ rất có trách nhiệm. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi với NHCSXH: Tại sao lại không nới chính sách ra để tạo điều kiện cho bà con?

Được lãnh đạo Chính phủ mời phát biểu trước tiên, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - như “mở cờ trong bụng”.

“Thưa Phó Thủ tướng, nông dân trong diện đối tượng chỉ được vay vốn bình quân là 20 triệu đồng chứ không phải là 50 triệu đồng. Bà con rất khó khăn, họ muốn có vốn để làm kinh tế nhưng lại không được vay tiền nên nguồn lực không có, mỗi lần xuống các xã cho vay vốn cứ như ngày hội ” - Chủ tịch Hội Nông dân giãi bày.

Theo ông Môn, trong tổng số hơn 100 tỷ đồng của NHCSXH thì nông dân được vay hơn 50.000 tỷ đồng và nợ quá hạn chỉ có 0,38%. Rõ ràng vốn chính sách tốt và người dân vay vốn làm ăn tốt, nhưng ông Môn cho rằng ngân hàng lớn như NHCSXH mà nguồn vốn chỉ có hơn 100 tỷ đồng thì chưa thể giải quyết được nhiều việc…

Người có nhu cầu vay tiền thực sự rất có trách nhiệm với khoản nợ của mình, cần nới chính sách để tạo điệu kiện cho bà con (ảnh: Đăng Đức)
Người có nhu cầu vay tiền thực sự rất có trách nhiệm với khoản nợ của mình, cần "nới" chính sách để tạo điệu kiện cho bà con (ảnh: Đăng Đức)

Đi từ hàng nghìn cây số ra Hà Nội để dự buổi họp bàn, ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên - không phủ nhận những hiệu quả NHCSXH đạt được về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhưng vị này đưa ra 2 vấn đề lớn mà bà con dân tộc Tây Nguyên hiện nay vẫn khó khăn trong khi tiếp cận là xây nhà theo Chương trình 167 (giai đoạn 2) và vay vốn học nghề.

Ông Hùng nêu quan điểm, bà con cần nhà để ở nhưng lại phải chờ tiền rót từ trung ương về mới xây được, vì thế Bộ Tài chính nên xem xét chủ trương ứng vốn tại các địa phương, khi đó nguồn vốn về tay bà con nhanh hơn sẽ giúp bà con sớm xây được nhà để ở. Nếu có nhà để ở, trẻ con được đi học, bà con thoát được nghèo… thì cuộc sống sẽ ổn định, mọi việc đều thuận lợi.

Với hiệu quả của cho vay vốn đào tạo nghề, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Người dân cầm 20 triệu trong tay là có thể thay đổi được cuộc đời, bởi với số tiền đó họ dành để học một cái nghề tốt cho tương lai cuộc sống. NHCSXH nên có chính sách cho vay học nghề và nên đẩy mạnh chính sách này với mức cho vay phù hợp với nhiều loại nghề. Nếu không có nghề thì khi hạn hán mất mùa, ốm đau bệnh tật, bà con không có tiền sẽ tìm đi vay tín dụng đen và để lại hệ lụy” .

Chính sách đừng đánh đố người dân!

Thay mặt cho Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hoạt động của NHCSXH thời gian qua, là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, đóng góp không chỉ mặt kinh tế - xã hội mà còn ổn định chính trị, tạo niềm tin vào Đảng, Chính phủ cho đồng bào sâu xa, nghèo, đối tượng chính sách.

Cần có chính sách cho vay vốn để các đối tượng thuộc diện nghèo và đối tượng chính sách học nghề (ảnh: Khánh Hiền)
Cần có chính sách cho vay vốn để các đối tượng thuộc diện nghèo và đối tượng chính sách học nghề (ảnh: Khánh Hiền)

Khẳng định vốn chính sách được đáp ứng giúp cải thiện đời sống nhân dân, giảm tín dụng đen ở các địa phương và đã giúp hơn 4 triệu người vượt qua mức nghèo, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc NHCSXH phải suy nghĩ sao cho hoạt động của NHCSXH hài hòa mục tiêu xã hội và thị trường.

“Chỗ người ta cần nhiều tiền thì cho vay ít, chỗ không có nhu cầu lại cho vay nhiều. Làm chính sách thế khác gì đánh đố dân? Chính sách là phải bám sát thực tiễn, muốn chính sách đi vào cuộc sống thì phải bám sát người dân!” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ lo cho hoạt động của NHCSXH nhưng bản thân ban lãnh đạo NHCSXH nhưng phải phát huy được chủ động sáng tạo, cần có cơ chế chính sách sao cho huy động được nguồn lực xã hội chứ không chỉ dựa vào Chính phủ.

Đối với các chương trình tín dụng chính sách thu hút sự quan tâm lớn của người dân như chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay giải quyết việc làm..., Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH và các ban, ngành chủ động nghiên cứu và đề xuất lên Chính phủ.

“Đừng để cái khó bó cái khôn, phải để cái khó ló cái khôn!” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chốt lại cuộc họp kéo dài 3 tiếng đồng hồ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Châu Như Quỳnh