1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Gỡ khó cho VAMC để “xử tận gốc” nợ xấu

(Dân trí) - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm cần hỗ trợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý hiệu quả nợ xấu nhưng đi liền với việc bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Chiều ngày 1/12 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc gồm lãnh đạo của các Bộ, ngành liên quan, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC.

Thời gian qua, việc VAMC xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu được xử lý còn rất thấp khi nhiệm vụ này còn vướng nhiều quy định của pháp luật hiện hành.

Một buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với VAMC tại Chính phủ.
Một buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với VAMC tại Chính phủ.

Những khó khăn này được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nêu ra là do thiếu quy định của pháp luật, quy định của pháp luật chưa phù hợp, do cách hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan của thẩm quyền khác nhau.

Ví dụ trong quá trình VAMC xử lý nợ, khánh hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thì các tổ chức hành nghề công chứng không đồng ý công chứng hợp đồng thế chấp bổ sung do VAMC là chủ nợ nhưng không có chức năng cho vay và không phải là bên được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo các quy định của Luật Đất đai 2013. Bất cập này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý các khoản nợ xấu VAMC đã mua.

Hay như việc NHNN đã cho phép VAMC (bằng Thông tư 19/2013/TT-NHNN) tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập khoản nợ xấu, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về tiêu chí thẩm định tài sản nhưng Thông tư 126/2015/TT-BTC chưa có quy định về tiêu chí thẩm định giá tài sản là khoản nợ, gây nhiều khó khăn cho định giá, mua, bán khoản nợ của VAMC.

VAMC cũng như các tổ chức tín dụng không thể chủ động thu giữ tài sản nếu chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. Trong khi đó, Bộ Luật dân sự 2015 không quy định quyền thu giữ tài sản của bên nhận bảo đảm như quy định hiện hành tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP cũng gây khó khăn tới quyền xử lý tài sản của các tổ chức tín dụng,…

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đều bày tỏ ghi nhận những khó khăn trong hoạt động của VAMC, đồng thời đều đề xuất tới lãnh đạo Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều coi nhiệm vụ xử lý nợ xấu của nền kinh tế hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành đã tích cực phối hợp để rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của VAMC - là một trong những công cụ để xử lý nợ xấu.

“Các giải pháp đưa ra sẽ tạo điều kiện cho VAMC xử lý nợ xấu hiệu quả hơn nhưng đảm bảo quyền, lợi ích của các bên liên quan gồm Nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân khác”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Để xử lý nợ xấu của nền kinh tế hiệu quả hơn cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của VAMC, Phó Thủ tướng cũng nhất trí với các bộ, ngành sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một luật phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu theo trình tự rút gọn. Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để khởi động ngay dự án luật này nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bộ luật Dân sự (Điều 301), Luật thi hành án dân sự 2008, Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật đấu giá tài sản và các luật khác có liên quan.

Bộ Tư pháp chủ trì, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm nhằm hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2015; nghiên cứu sửa đổi Thông tư 18, xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật đấu giá tài sản.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 với nội dung liên quan tới tài sản bảo đảm; nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 16 về hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tư pháp, NHNN sửa đổi Nghị định 163 của Chính phủ về chuyển nhượng dự án bất động sản dở dang không thuộc phạm trù kinh doanh bất động sản để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của VAMC.

Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí định giá tài sản, phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN xây dựng Luật hỗ trợ cho tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng, tham gia cùng VAMC trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn giá trị pháp lý giao dịch có tài sản thế chấp; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm rõ nội hàm của Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục thụ lý vụ án trong trường hợp bị đơn, người có quyền lợi liên quan trốn tránh, không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu VAMC tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nợ xấu, nhanh chóng hoàn thành Đề án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực của VAMC trong thời gian tới.

P.T