1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi không yên lòng về phát triển bền vững ở Việt Nam

(Dân trí) - Tôi đã tham gia nhiều công việc quản lý, nhưng hiện tôi không yên lòng với phát triển bền vững tại Việt Nam.Điều tôi không yên lòng là bởi phát triển bền vững là làm sao đáp ứng yêu cầu phát ngày hôm nay nhưng không ảnh hưởng đến ngày mai, chúng tôi không yên lòng luôn hỏi liệu việc làm hôm nay ảnh hưởng xấu gì đến tương lai không

Phát biểu tại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2016 được tổ chức sáng nay (8/11) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia khẳng định: Vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam đang bị thách thức từ tư duy đến thực tiễn hành động.

Theo đó, Phó Thủ tướng không yên lòng về các chỉ số phát triển bền vững tại Việt Nam. Khái niệm phát triển bền vững tại Việt Nam trên lý thuyết tốt đẹp, nhưng thực tế, nó nhận được sự tham gia rất ít của cộng đồng từ Nhà nước, doanh nghiệp, đến người dân.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn

"Tôi tha thiết mong các cơ quan, hệ thống doanh nghiệp cùng nhau quyết tâm cao hơn để chính quyền làm ít việc đi. Nhà nước chỉ làm việc cần thiết thôi, hãy làm việc thật sự cần thiết, tạo môi trường, những gì DN làm được thì để cho thị trường làm", Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, với trách nhiệm đại diện của Chính phủ về phát triển bền vững, ông đã trực tiếp đi khảo sát từ người lái xe ôm đến người lái taxi và câu trả lời là họ chỉ biết về năng lực cạnh tranh mà không hề biết đến 169 chỉ số phát triển bền vững cụ thể. Đáng quan ngại là nhiều người cho rằng trách nhiệm phát triển bền vững hiện nay là của các bộ và cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, tại các cơ quan Nhà nước, các tiêu chí này cũng không được hiểu và thực hiện đúng.

"Theo báo cáo chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu năm 2016, trong 7 nhóm chỉ tiêu (5 nhóm đầu vào và 2 nhóm đầu ra) như thể chế vĩ mô, thị trường vốn và đầu tư, môi trường kinh doanh... hiện các Bộ, ngành vẫn chưa có đánh giá đúng về sự cải thiện. Các tiêu chí tăng trưởng xanh, công nghệ mới chưa được coi là giá trị gia tăng của ngành, của doanh nghiệp. Chưa có động lực đòi hỏi DN phải cải cách các nhân tố đầu vào, vì thế đây là trở ngại để Việt Nam đuổi kịp các quốc gia phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam còn thiếu các DN lớn, đi tiên phong và làm hình mẫu để tăng trưởng và phát triển bền vững. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự coi trọng phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Theo Phó Thủ tướng, muốn cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh, chính cơ quan Nhà nước cần phải cải cách thu chi ngân sách, hướng đến vận hành bộ máy gọn nhẹ hơn, năng động hơn và thích ứng với các đổi mới hiện đại.

Ông Đam dẫn dụ: "Hiện, chi ngân sách của Việt Nam, đến 65% là chi thường xuyên, trong khi đó chủ yếu là trả lương cho đơn vị sự nghiệp (trả lương công chức, người có công, chi bảo trợ xã hội chỉ 10%), còn lại là toàn bộ các đơn vị sự nghiệp. Gánh nặng ngân sách quá lớn do bộ máy cồng kềnh, thiếu linh hoạt".

Về khu vực DN nhà nước, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam khi bắt đầu đổi mới sắp xếp DNNN, chúng ta có khoảng 11.000 DN, qua quá trình dài đổi mới, cải cách hiện nay chúng ta còn khoảng 1.000 DNNN. Nhưng đối lập với sự giảm khu vực DN, là số đơn vị sự nghiệp đang tăng lên, phình to ra. Hiện Việt Nam có khoảng 50.000 đơn vị sự nghiệp công lập... Chính phủ đang xây dựng cơ chế để bắt khu vực này tự chủ về tài chính, hoạt động"

Theo Phó Thủ tướng, hiện trong nhiều ngành và lĩnh vực, Chính phủ đang mong muốn DN tham gia xã hội hóa dịch vụ như: Giáo dục, Y tế và dịch vụ dịch công... Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động này, đặc biệt phát triển theo mô hình phi lợi nhuận, mô hình xã hội hóa để gia tăng hiệu quả cho xã hội, cho phát triển.

Nguyễn Tuyền