1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ngành da giày vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực

(Dân trí) - Cho rằng ngành da giày đang là xu thế của tương lai và là lợi thế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách cần sâu sát với các doanh nghiệp trong cả nước, thậm chí cần có phương tiện riêng để thuận tiện đi lại nếu doanh nghiệp cần.

Đầy nỗi lo dù "á quân" thế giới

Chiều 24/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo, công nhân viên Tập đoàn Giày Thái Bình (TBS Group) tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Đây là một trong những doanh nghiệp da giày lớn của Việt Nam với hơn 35.000 công nhân, chuyên sản xuất da giày, túi xách... cho các thương hiệu uy tín trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), đồng thời là Chủ tịch TBS Group cho biết, trong 20 năm qua, chuỗi giá trị gia tăng của ngành da giày, túi xách nước ta phát triển không ngừng. Việt Nam là nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và xuất khẩu thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 8,4% toàn cầu (Trung Quốc chiếm trên 40%). Năm 2015, xuất khẩu của ngành đạt 15 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7 tỷ USD. Ngành này đã giải quyết khối lượng lớn công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 500.000 người lao động gián tiếp trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, da giày là ngành của tương lai
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, da giày là ngành của tương lai

Cả nước có 700 doanh nghiệp, cơ sở da giày, túi xách. Doanh nghiệp trong nước chiếm 2/3 (500 doanh nghiệp). Thế nhưng, với 200 doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu và là "trùm" của những thương hiệu lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, ngành da giày phát triển tốt thời gian qua là nhờ những lợi thế ngẫu nhiên khi nước ta có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động đang trong thời kỳ dân số vàng, trình độ tay nghề ổn định... Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch của ngành này đạt 25 tỷ USD và giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động.

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết đã tạo ra nhiều đơn hàng, nhà cung ứng nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, các đơn hàng chuyển vào Việt Nam cũng chỉ dạng vừa đủ.

Doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi ngành cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành da dày kém. Các trung tâm nghiên cứu, phát triển và những con người có đủ hàm lượng chất xám thiếu và yếu. Các trường đại học, các cơ sở, Viện nghiên cứu đào tạo nghề thuộc Bộ Công Thương không đi sát thực tế khiến công ty phải tốn nhiều thời gian đào tạo lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu, khi tỷ lệ nhập chiếm 40-50%.

"Công ty nước ngoài coi Việt Nam là xưởng gia công nên các đơn hàng chuyển vào cho chúng ta ở dạng vừa đủ. Họ không mang thành quả nghiên cứu mà luôn giữ "bí kíp", không đưa gậy cho mình thọc lưng. Tụi em có được ngày hôm nay là thành quả lăn lóc bao nhiêu năm nay", ông Thuấn nói.

Không thể gia công mãi được

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời đại ngày nay, con người không chỉ ăn ngon mà còn đòi hỏi phải mặc đẹp. Đi đâu cũng cần có đôi giày, túi xách, dây lưng, ví... "xịn" nên dung lượng tiêu thụ ngành da giày, túi xách toàn cầu rất lớn.

"Da giày là ngành chủ lực, là ngành của tương lai. Khi chất lượng cuộc sống nâng cao, không chỉ ăn uống mà con người còn cần đến thời trang, cái đẹp... Vì thế, ngành gia dày ngày càng có vị trí quan trọng", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, nước ta đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xác định công nghiệp có ý nghĩa nền tảng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Công đoạn sản xuất giày
Công đoạn sản xuất giày

Khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 thì Việt Nam mới bắt đầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghiệp của nước ta hiện mới chỉ phát triển theo bề rộng dựa trên nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên chứ chưa áp dụng công nghệ, tri thức. Do đó, chất lượng, hiệu quả, năng suất cạnh tranh còn thấp.

Trong những hạn chế đó, ngành da giày đang là điểm sáng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, không thể chấp nhận là "xưởng gia công" mãi thế này được.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành da giày cũng phải góp phần cân bằng cán cân thương mại. Chuyển đổi, sử dụng những vật liệu mới thay thế nguyên vật liệu truyền thống, hạn chế thuộc da để giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, điểm yếu trở thành lực cản của ngành chính là việc chúng ta thiếu nghiên cứu, phát triển, các ý tưởng thời trang, công tác quản lý sản xuất, mạng lưới phân phối chưa được tốt.

"Phải chủ động nghiên cứu phát triển cho mình, chứ nước ngoài không mang qua đây đâu. Họ chỉ qua đây vì giá rẻ. Phải làm sao sáng tạo không ngừng để có những thương hiệu lớn như Gucci... Phải tạo thương hiệu Made in Vietnam chứ không thể mãi với những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu cạnh tranh", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng không hài lòng khi cán bộ của Bộ Công Thương đi theo đoàn khi được hỏi về công tác nghiên cứu, đào tạo lao động cho ngành da giày mà lại không nắm rõ.

"Không được lơ mơ về số liệu, phải phân tích thật kỹ. Tìm hiểu tồn tại là gì. Phải xem lại hoạt động của các cơ sở đào tạo, các Viện nghiên cứu. Nghiên cứu phải sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Phải tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có đơn đặt hàng, cải thiện cuộc sống khá. Không thể để các nhà nghiên cứu sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vai trò của Lefaso, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần tăng quyền cho Hiệp hội này. Ngược lại, Lefaso phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia nghiên cứu phát triển các ý tưởng sáng tạo để tăng sức cạnh tranh.

Công Quang