1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng: Thanh toán di động sẽ bùng nổ ở Việt Nam như điện thoại di động

(Dân trí) - Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam năm 2017 (VEPF) sáng nay (6/11) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tin tưởng thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước.

Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn VEPF tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn VEPF tại Hà Nội.

“Thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Huệ cho biết, hiện Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng thông rộng điện thoại di động dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020.

Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.

Phó Thủ tướng khẳng định: Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. "Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này", ông nói.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Sự xuất hiện của thanh toán di động sẽ xoá nhoà khoảng cách giàu nghèo, giúp chi phí và rủi do trong thanh toán hạn chế hơn. Điều này đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ở châu Á, tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ cả ở thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh. Thanh toán qua điện thoại đang thực sự là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, nó được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu.

Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.

"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại diện Chính phủ khẳng định: Chính Phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam, trong đó cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.

Theo Ban tổ chức VEPF, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Tại một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại thông qua việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc…đang mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Nguyễn Tuyền