1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Phó Thủ tướng: Tăng số lượng doanh nghiệp không phải để lấy thành tích

(Dân trí) - Lưu ý với các địa phương cân nhắc để đăng ký mục tiêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới với VCCI, Chính phủ, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, việc đăng ký tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập không phải để lấy thành tích doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả

Chiều nay (22/9), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 21 tỉnh thành đã ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

21 địa phương gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại lễ ký kết giữa VCCI và 21 địa phương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại lễ ký kết giữa VCCI và 21 địa phương

Dùng chỉ tiêu doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả hỗ trợ của địa phương

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển đất nước, chỉ đạo tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 30 năm đổi mới, lực lượng doanh nghiệp luôn xung kích đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không có doanh nghiệp thì không thể có tăng trưởng, không có việc làm, không có đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…

Phó Thủ tướng cho rằng, số lượng doanh nghiệp tăng trưởng như hiện nay một phần nhờ sự cam kết của các tỉnh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vẫn còn có tỉnh chưa cam kết, có tỉnh cam kết còn khiêm tốn quá so với tiềm năng.

"Tỉnh nào chưa đăng ký thì cân nhắc lại số lượng cụ thể để đăng ký với VCCI, Chính phủ. Nhưng số lượng doanh nghiệp mới thành lập phải tăng lên, nhưng không phải đăng ký để lấy thành tích, mà phải hoạt động hiệu quả", lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở.

Hiện tại Chính phủ đã giao cho Tổng cục Thống kê và VCCI xây dựng bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp để xem tình hình phát triển doanh nghiệp (thành lập mới, giải thể, phá sản...), đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp, chỉ tiêu lợi nhuận, thu nhập người lao động, từ đó giám sát về sự hỗ trợ của địa phương với doanh nghiệp có thực chất hay không.

"Chính quyền địa phương phải thực hiện tốt Nghị quyết 19 để đổi mới môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là mảnh đất nuôi dưỡng cho doanh nghiệp đang có hoạt động tốt, tạo niềm cảm hứng cho doanh nghiệp sắp sửa tham gia thị trường", Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, lưu ý các địa phương phải làm tốt công tác thu hút đầu tư, đối tác chiến lược để tạo xung lực cho phát triển, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) để những doanh nghiệp này bám trụ được, phát triển và hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc tin mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 sẽ thành hiện thực
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc tin mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 sẽ thành hiện thực

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 trong tầm tay

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định, với 21 tỉnh thành ký cam kết ngày hôm nay chính là "21 phát đại bác không bắn chỉ thiên mà bắn vào những rào cản của môi trường kinh doanh". Đây cũng chính là bước hoàn thành mục tiêu 100% tỉnh thành cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn thành Nghị Quyết 35 của Chính phủ, thể hiện Chính phủ quyết tâm và các cấp chính quyền cũng quyết tâm vì doanh nghiệp phục vụ.

Cho rằng, Nghị quyết 35 không chỉ mới về mục tiêu, thông điệp, giải pháp mà cả mới về cách thực hiện. Từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến các địa phương đều quyết liệt và hầu như đều có chương trình hành động. Nghị quyết nêu trách nhiệm của Chính phủ là liêm chính và doanh nghiệp cũng phải liêm chính.

"Ba tháng qua là một hành trình khẳng định, bản lĩnh và quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh làm ngay làm đêm, luật sửa nhiều luật, luật hỗ trợ DNNVV được làm đi làm lại, không có chỗ cho việc bàn lùi", ông Lộc cho biết.

Đồng thời, lãnh đạo VCCI cũng chia sẻ, thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã phải "đi như con thoi" đến các địa phương, không chỉ truyền thông điệp mà còn là truyền sức nóng đến cơ sở, thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh.

Theo nhận định của ông Lộc, chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi nhập. Khi có sự sát cánh giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư thì cải cách ở địa phương sẽ thành công.

Với Nghị quyết 35, chỉ trong 1 năm đã có 100.000 doanh nghiệp được thành lập. Một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Hà Nội đã mạnh dạn đưa ra cam kết số doanh nghiệp tăng gấp đôi so với hiện nay, TPHCM là 500.000 doanh nghiệp còn Hà Nội là 370.000 doanh nghiệp. Theo đó, ông Lộc tin rằng, con số 1 triệu doanh nghiệp mục tiêu cần hướng đến vào 2020 là "chắn chắn trong tầm tay".

Bích Diệp