1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng: "Nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân tăng lên"

(Dân trí) - Phó Thủ tướng cho biết, cơ cấu nợ quốc gia gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Trong đó, hiện nay, nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân tăng lên.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 13.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 24/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, ý kiến lo lắng về nợ quốc gia tăng, nợ công tăng cao là chính xác. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực để giảm mức tăng nợ công.

Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2015 trở về trước, tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân tăng 6%, nợ công tăng gấp 3 lần ở mức 18%. Nhưng hiện nay, nợ công chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7%.

Riêng về nợ công quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, cơ cấu nợ này gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Trong đó, hiện nay, nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân tăng lên.

Dẫn chứng cụ thể, Phó Thủ tướng cho hay, như vừa qua, ThaiBev là một doanh nghiệp Thái Lan đã mua lại cổ phần Nhà nước ở Sabeco với giá trị khoảng 5 tỷ USD nhưng pháp nhân ở đây lại là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Do doanh nghiệp này phải đi vay để huy động số tiền lớn mua lại cổ phần Sabeco, nên khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Ông cũng dẫn trường hợp của Vingroup vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để đầu tư cho dự án Vinfast.

“Các doanh nghiệp tự nhân phải trả khoản này. Khi bán được ô tô, họ sẽ có dòng tiền để trả nợ và nợ này sẽ giảm. Có rủi ro tỷ giá và lãi suất USD nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát việc”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết, thu ngân sách năm nay dự kiến sẽ vượt 5% dự toán. Việc thu ngân sách ở 3 khu vực không đạt như bảo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách là do đặt ra dự toán quá cao.

Trong đó, thu ngân sách đối với doanh nghiệp Nhà nước giảm nhanh do các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá nên được xác định là thành phần kinh tế ngoài nhà nước, không tính vào diện doanh nghiệp Nhà nước.

"Năm 2019, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo hướng doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước là doanh nghiệp Nhà nước thì số thu ngân sách từ khu vực này sẽ tăng lên. Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”, ông nói thêm.

Phương Dung

Phó Thủ tướng: "Nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân tăng lên" - 2