1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng: Không tinh giản bộ máy sẽ rất khó cải cách tiền lương

(Dân trí) - “Mức lương tối thiểu hướng tới là đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên có nên quy định chung tiền lương tối thiểu hay không thì phải nghiên cứu để việc trả lương tương xứng với sức lao động của người lao động” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Sáng nay (17/10), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng đoàn khảo sát của Ban chủ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng - đã làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, Trung ương đã bàn và nhất trí ban hành Nghị quyết về một số vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới bộ máy tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề cơ bản để cải cách chính sách tiền lương...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi khảo sát tại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sáng 17/10
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi khảo sát tại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sáng 17/10

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong cải cách tiền lương hướng tới tính toán theo vị trí việc làm, hạn chế các loại phụ cấp gắn với vị trí việc làm, nếu cần thiết chỉ để phụ cấp theo khu vực và đặc thù ngành nghề.

“Mức lương tối thiểu hướng tới là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tuy nhiên có nên quy định tiền lương tối thiểu chung hay không thì phải nghiên cứu để việc trả lương tương xứng với sức lao động của người lao động” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quản lý và chi trả tiền lương, Phó Thủ tướng cho rằng, tiền lương là chế độ chính sách, nhưng trong hoạt động lao động đó là thoả thuận nên có thể cân nhắc tăng quyền quản lý và chi trả cho người sử dụng lao động.

Phó Thủ tướng lưu ý một số đặc thù của Tổng liên đoàn Lao động, đơn cử như quản lý biên chế còn lỏng, không sử dụng ngân sách Nhà nước mà phải thu để chi, trong đó nguồn thu quan trọng là phải gắn với sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.

“Quan hệ tiền lương của Việt Nam hiện khác xa so với thị trường. Nếu không sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, không tinh giản bộ máy biên chế thì rất khó để rà soát và cải cách tiền lương” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập, hệ số lương thấp, chế độ tiền lương chưa công bằng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng làm việc tại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng làm việc tại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Cùng đó, việc chuyển ngạch còn nhiều hạn chế nên chưa tạo được động lực phát huy hết khả năng, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Chế độ phụ cấp lãnh đạo đối với cán bộ bầu cử cấp huyện quá thấp, chưa tương xứng với chức trách nhiệm vụ trong công tác.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động kiến nghị xác định lại mức lương cơ sở cho đúng và đủ trong khu vực Nhà nước, phù hợp với thị trường lao động là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực Nhà nước.

Về quản lý và chi trả tiền lương, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động đề xuất thiết kế tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc cố định làm tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp.

“Nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hàng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành” - đại diện của Tổng liên đoàn Lao động cho hay.

Châu Như Quỳnh