1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thống đốc: Sẽ buộc giải thể, phá sản những nhà băng yếu kém

(Dân trí) - Năm 2015, NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, cạnh tranh cao; kiên quyết xử lý pháp nhân những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc…

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết như vậy khi đề cập tới kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2015 này.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn hai đã được khởi động bằng thông tin Vietcombank sẽ nhận sáp nhập ngân hàng khác và "danh tính" được thị trường xác nhận là Saigonbank… Xin bà cho biết, kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong năm 2015 thế nào?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Cơ cấu lại hệ thống các TCTD nói chung và từng TCTD nói riêng là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại và chủ động đối phó với những thách thức. Trên cơ sở Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, năm 2015, NHNN sẽ tập trung triển khai một số nội dung chính như:

Thứ nhất, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật, trong đó sẽ nâng cao vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước thông qua việc các NHTM Nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15 và Quyết định số 51 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254; kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc thì kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định..

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD và lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ của TCTD; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Cùng với đó, NHNN sẽ xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực tài chính (với trọng tâm là tăng vốn điều lệ) của các NHTM Nhà nước năm 2015;Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được phê duyệt; hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh để đảm bảo các TCTD cơ cấu lại thành công.

Thứ tư, phối hợp với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cơ cấu lại các công ty con là công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém gắn với thực hiện thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất và tăng cường quy mô, năng lực tài chính của TCTD.

NHNN cũng sẽ ban hành các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của một số loại hình TCTD.

Thứ năm, thúc đẩy việc thực hiện các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng phối hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của một số loại hình TCTD. Đẩy mạnh cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), kiên quyết xử lý các QTDND yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc NHNN ban hành Thông tư số 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, chi nhánh NHNN với các quy định cụ thể và chặt chẽ nhằm kiểm soát dòng tín dụng chảy vào cổ phiếu được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, quan điểm của Phó Thống đốc như thế nào trước thực tế các ngân hàng rót vốn rất mạnh vào trái phiếu Chính phủ thời gian qua?

Trong vài năm qua, tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh của các TCTD cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy các TCTD gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động từ nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá cao. Trong bối cảnh đó, các TCTD buộc phải tìm kiếm kênh đầu tư an toàn - đó là đầu tư trái phiếu chính phủ. Việc đầu tư mạnh của các TCTD vào trái phiếu chính phủ đã góp phần thực hiện thành công kế hoạch huy động vốn của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu để gia tăng đầu tư phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, việc đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ cũng có thể tạo ra vấn đề. Ví dụ như nguồn vốn huy động của TCTD chủ yếu là vốn ngắn hạn, do vậy nếu đầu tư nhiều cho trung dài hạn thông qua mua trái phiếu chính phủ thì có thể làm tăng rủi ro thanh khoản nếu các TCTD không chủ động cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý, nhất là khi chính sách tiền tệ phải thực hiện theo hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Thông tư số 36 quy định tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của TCTD. Tỷ lệ này được NHNN xác định trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ hàng năm, số dư đầu tư trái phiếu hiện nay của các TCTD và yêu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế để bảo đảm mục tiêu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và an toàn hoạt động của TCTD.Việ c quy định này cũng sẽ khuyến khích TPCP sẽ đa dạng hóa người nắm giữ như ở các nước, không nên quá tập trung vào hệ thống ngân hàng (ở Việt Nam, hệ thống TCTD nắm giữ 80-90% trái phiếu chính phủ).

Một trong những mục tiêu mà ngành chứng khoán hướng đến trong năm 2015 là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành chứng khoán (thu hút các doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, đạt thanh khoản cao...), cần có những điều kiện về độ mở của chính sách tiền tệ. Vậy NHNN có sẵn sàng hỗ trợ TTCK Việt Nam nâng hạng trên thị trường quốc tế, mở rộng cơ hội thu hút vốn ngoại vào Việt Nam?

Trong thời gian qua, với việc thực thi đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, trong đó có chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của NHNN, diễn biến kinh tế vĩ mô của nước ta đã có những cải thiện tích cực, lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế năm 2014 cải thiện so với năm 2012 và 2013, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, thông suốt, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư ở mức cao, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức cao kỷ lục, ổn định kinh tế vĩ mô được tăng cường. Đây là các kết quả đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó tiếp tục củng cố sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện ở luồng vốn vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong năm nay.

Năm 2015, Quốc hội tiếp tục đặt mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,2%. Bám sát mục tiêu của Quốc hội, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Như vậy, các kết quả thuận lợi đạt được trong năm 2014 và sự kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2015 sẽ tiếp tục là những điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”