1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phát khóc vì ôm vàng

Khi có tiền, nhiều người dân, thuộc mọi tầng lớp khác nhau có thói quen “đút lợn” dưới dạng vàng, vừa an toàn lại có lời lớn khi giá tăng. Tuy nhiên, thói quen này giờ đang khiến không ít người như ngồi trên đống lửa.

Muối ruột nhìn vàng rơi hai ngày nay, chị Nguyễn Phương Linh và chồng nhấp nhổm gọi điện cho nhau suốt ngày xem có nên bán vàng ra để xây nốt căn nhà dở dang hay không.

 

Bán cũng sợ, cầm vàng cũng không yên khi mà kênh đầu tư "thiên đường" này đang lao dốc không ngừng. Chỉ tính trong 4 phiên giao dịch gần nhất, mỗi lượng vàng cũng đã bốc hơi mất khoảng 4 triệu đồng. Hai vợ chồng còn trong tay gần 20 lượng, nhẩm tính sơ sơ đã mất ngót nghét 80 triệu.

 

"Cả thời gian dài tích cóp được mấy chục lượng vàng, chúng tôi cố xây nhà để an cư. Lượng vàng đã bán khoảng 1/3, nhà cũng đang xây, tính chung thì vẫn thiếu tiền. Nhưng với đợt vàng giảm giá lần này, có khi chúng tôi phải hoãn xây nhà nếu không muốn nặng nợ", chị Linh rầu rĩ.

 

Hai vợ chồng chị Linh đều làm ở những công ty lớn. Tiền tích lũy nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ của gia đình hai bên, vợ chồng chị mua được mảnh đất gần 50m2, giờ chỉ còn xây nhà để ở, sau bao năm thuê mướn.

 

Cách đây vài tháng, sốt ruột vì vàng xuống giá, từ đỉnh cao trên 49 triệu xuống quanh mức 44-45 triệu đồng/lượng, hai vợ chồng quyết định bán dần để xây nhà. Anh chị nhẩm tính, xây nhà 3 tầng rưỡi hết hơn 1 tỷ đồng, cộng với phát sinh và nội thất, tổng chi khoảng 1,5 tỷ, thiếu đâu vay thêm.

 

Giờ hai vợ chồng quá hoang mang bởi số tiền chắt chiu lâu nay bị "bốc hơi" gần 100 triệu đồng. Bán ra sợ vàng lên, mà không bán sợ vàng còn giảm tiếp do giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng. Chưa kể, chiến lược bình ổn thị trường vàng còn tác động đến giá cả mặt hàng này thời gian tới.

 

Không lỗ như trường hợp chị Linh nhưng anh Phạm Trung Thành - chuyên viên một tổ chức phi chính phủ - cũng đang ngồi trên đống lửa. Anh Hiếu mua tích góp được cả trăm cây vàng từ hồi giá có 16-20 triệu đồng/lượng. Khi vàng lên 48-49 triệu đồng/lượng, anh cũng định bán để mua nhà, song do giá nhà đất vẫn cao nên anh chờ BĐS giảm tiếp với nhận định vàng khó giảm, thậm chí có thể tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chìm ngập trong khủng hoảng...

 

Anh nhẩm tính, nếu bán vàng khi đó cũng thu về được hơn 5 tỷ để mua nhà, song với giá vàng hiện tại anh đã mất khoảng 20%. Thực tế, chỉ 4 tỷ, anh có thể mua được chung cư tốt nhưng để mua nhà đất không phải dễ. Thị trường BĐS giảm nhưng anh Hiếu cho rằng vẫn rất khó mua với tầm tiền như vậy. Nhà liền kề, biệt thự nằm ngoài vành đai 3 của Hà Nội vẫn tầm 7-10 tỷ đồng, thậm chí cao hơn nhiều.

 

Những người thiệt hại như chị Linh, anh Hiếu rất nhiều, đặc biệt là với cá nhân không quen đầu tư, làm được đồng nào là mua vàng đồng đấy. Song, tổng giá trị và mức độ thiệt hại của họ vẫn rất nhỏ so với con số thua lỗ mà các "ông lớn" ngân hàng, doanh nghiệp mua đấu thầu vàng gần đây.

 

Trong 6 phiên đầu thầu vừa qua, các ngân hàng và doanh nghiệp mua khoảng 6 tấn vàng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá phần lớn trên 43 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với mức giá 38,8 triệu đồng/lượng DN mua vào trên thị trường trong sáng 16/4. Con số thua lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quyết định mua vàng của các tổ chức này lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

 

Giá vàng biến động bất thường, người dân vẫn đổ đến các tiệm vàng (ảnh Bảo Hân)
Giá vàng biến động bất thường, người dân vẫn đổ đến các tiệm vàng (ảnh Bảo Hân)

 

Toàn dân găm vốn, nền kinh tế về đâu?

 

Câu chuyện tích lũy vàng của người dân ai cũng biết. Thói quen đem vàng về cất giữ dưới gối đã hình thành từ nhiều thập kỷ qua. Số vàng nằm im trong tủ ước tính khoảng 300-500 tấn, thậm chí có thông tin cho là 1.000 tấn.

 

Để tránh sự lãng phí này, gần đây, NHNN đã có cả một đề án bình ổn thị trường vàng và huy động vàng trong dân. Kế hoạch này đang được thực hiện từng bước với việc yêu cầu ngân hàng thương mại ngưng huy động vàng và tất toán trạng thái vàng (hạn mới là 30/6). Đồng thời, cơ quan này cũng liên tục tổ chức đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường.

 

Nỗ lực là vậy và được nhiều chuyên gia đánh giá là "đúng hướng", song, trên thực tế tới thời điểm này, Nhà nước vẫn chưa hút được nguồn lực khổng lồ này và giá vàng trong nước vẫn vênh cao so với thế giới, 5-6,5 triệu đồng/lượng.

 

Theo các chuyên gia, cần có độ trễ để kéo giá vàng trong nước gần với giá thế giới. Điều này có thể đúng bởi đây vẫn là thời kỳ cao điểm để các ngân hàng thực hiện yêu cầu tất toán vàng của NHNN.

 

Tuy nhiên, thực tế giao dịch trên thị trường cũng cho thấy: ngân hàng đang mua vào nhưng người dân cũng không bán ra. Nhiều người, nhất là những ai ít tiếp xúc với thị trường tài chính, gần như không quan tâm tới việc giá vàng xuống. Theo họ, vàng xuống rồi sẽ lên lại như biến động trong quá khứ.

 

Ngay cả với những người có hiểu biết và những ông lớn trên thị trường cũng giữ vàng. Sai lầm của các ngân hàng, doanh nghiệp trong 6 phiên giao dịch gần đây cũng phần nào cho thấy điều này. Nhưng đó là phản ứng của thị trường. Có lẽ, không quá khó hiểu khi người dân cứ nhất nhất giữ vàng bởi nền kinh tế trong nước nói riêng và trên thế giới nói riêng có quá nhiều bất ổn.

 

Lạm phát, sự mất giá của đồng tiền, sự trắng đen lẫn lộn của TTCK... khiến nhiều người không dám cầm tiền. Trong khi đó, không phải ai cũng biết đầu tư và rủi ro do đầu tư đem lại.

 

Vì thế, nắm giữ vàng vẫn chắc thắng, mà chục năm qua đã chứng minh điều này là đúng. Nhiều người sẵn sàng cho người thân vay vàng không lãi còn hơn cho vay tiền mặt với lãi suất ngân hàng. Ngược lại, có người vay vàng để sản xuất kinh doanh, để xây nhà, mua nhà, tiêu dùng... trong một vài năm trước đây đã bị thiệt hại nặng nề.

 

Với đa phần người dân, họ thường không có đủ tiền để mua được những tài sản có giá trị lớn. Trong khi đó những tài sản này, như nhà cửa, ôtô, xe máy... lại có giá quá cao, vượt khả năng chi trả của họ. Cùng với lạm phát cao, sự trục trặc của hệ thống ngân hàng... lựa chọn cất giữ tiền dưới dạng vàng hay đầu tư vào BĐS có lẽ là phương án tốt, có ngày giúp túi tiền của họ phình nở.

 

Trong bối cảnh, người dân không sẵn lòng bán vàng vì lo sợ bất ổn, ngân hàng vẫn tung gần chục nghìn tỷ đồng mua vàng... thì việc vàng giảm giá quả rất khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, chiều 16/4 giá vàng đã "trở mặt" tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng khi mà đã giảm 2 triệu đồng vào buổi sáng. Vàng trong nước tăng trở lại cho dù vẫn cao hơn thế giới khoảng 6,2 triệu đồng/lượng.

 

Theo Huấn Tú

VEF