1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu

(Dân trí) - Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ. Có 75% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ tân trang.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: BD)
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: BD)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  

 
Phát biểu tại Hội thảo “Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015” diễn ra ngày 27/1/2015,  bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, những năm gần đây, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng. 

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2014 tăng 1,63 lần so với năm 2006. Đỉnh cao là năm 2009-2010, số doanh nghiệp thành lập đạt 84.300 doanh nghiệp.
 
Theo bà Thủy, doanh nghiệp ngoài nhà nước với 98,6% là doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn chiếm tỷ trọng ở mức 48-49% tổng GDP toàn xã hội trong giai đoạn 2009-2012; đóng góp ngân sách khoảng 1/3 (34% giai đoạn 2011-2012); chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng việc làm được tạo ra từ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng dần qua các năm: 45% năm 2010 lên 47% năm 2012 của tổng số lao động trong khối doanh nghiệp. Thu nhập bình quân/lao động tăng dần theo các năm: 42 triệu đồng/năm 2010 lên 61 triệu đồng/ năm 2012.
 
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho biết, khối doanh nghiệp này vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng giảm: Năm 2010, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 46,84% tổng doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế thấp chỉ chiếm 22,87% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2011 doanh thu giảm, chiếm 34%. Năm 2012 doanh thu tăng, chiếm 43,7% nhưng lợi nhuận giảm thấp xuống tỷ lệ 7,26%. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% (2013). Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% (2013).
 
“Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước và ổn định kinh tế xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động” – bà Thủy cho hay.

Bà Thủy cũng đề cập đến một thực trạng đó là các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho máy móc, công nghệ nên trình độ công nghệ rất lạc hậu. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Có 80-90% công nghệ sử dụng lại ngoại nhập, 75% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ tân trang.

Bà Thủy đánh giá, thực tế đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở mức thấp, chỉ chiếm 0,2-0,3% doanh thu (so với5% ở Ấn Độ và 10% ở Hàn Quốc). Chỉ có khoảng 0,1% doanh nghiệp có sử dụng tư vấn khi đầu tư mua sắm công nghệ.

Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%, trong khi đó ở Singapore là 73%, Malaysia là 51% và Thái Lan là 31% (tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60%). Những con số này đưa Việt Nam chỉ đứng thứ 102/148 nền kinh tế và thứ 9/10 trong khối ASEAN về chỉ số sẵn sàng về công nghệ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang bị ngân hàng “phân biệt đối xử”
 
Bà Thủy cũng chỉ ra quy mô chính là một trong những hạn chế cản trở sự phát triển doanh nghiệp và và nhỏ. Có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa theo quy mô lao động, và tới 94,8% nếu xét về quy mô vốn. Đáng lưu ý hơn là trong khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.
 
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mặc dù chiếm trên 98% tổng doanh nghiệp nhưng lại hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Cụ thể, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân tháng 3/2014 chiếm khoảng 50% tổng dư nợ (so với 16% của doanh nghiệp nhà nước và 7% doanh nghiệp FDI); khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiếp cận vốn vay ngân hàng; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn từ các ngân hàng thương mại giảm hơn 1.200 doanh nghiệp trong chưa đầy 2 năm 2012-2013; tổng dư nợ cho doanh nghiệp vằ và nhỏ vay cũng giảm hơn 6.000 tỷ đồng trong vòng 9 tháng đầu năm 2013 (NHNN).

Theo bà Thủy, nguyên nhân do doanh nghiệp tư nhân hạn chế về quy mô, năng lực và uy tín thấp, không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại, thiếu tài sản thế chấp. Nhưng mặt khác, ngân hàng thương mại vẫn còn tính trạng phân biệt đối xử trong xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiêp tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, khoản vay lãi suất thấp hoặc khoản vay trung, dài hạn.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, bên cạnh việc nắm rõ các cơ hội từ việc mở cửa thì quan trọng vẫn là “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nhìn một cách tổng thể, sức khỏe của doanh nghiệp không đạt được chỉ số tài chính thì việc nắm bắt cơ hội cũng khó khăn hơn. 

Khi doanh nghiệp “không khỏe” ngân hàng đầu tư vào dẫn đến việc tái cơ cấu càng chậm và nợ xấu càng phát sinh. Do đó, ngân hàng đã và đang thực hiện những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhưng về phía doanh nghiệp cũng cần phải làm thế nào để đảm bảo sức khỏe tài chính của doanh nghiệp mình. Khi doanh nghiệp và ngân hàng hiểu được nhau thì việc kết nối sẽ tốt hơn.

 Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”