1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Parkson liên tiếp đóng cửa: Câu chuyện buồn của đại gia bán lẻ một thời

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, Parkson đã lần lượt đóng cửa 3 trung tâm thương mại mua sắm tại Hà Nội và TPHCM. Đi cùng với đó, việc kinh doanh của họ ở Việt Nam cũng liên tục sa sút trong những năm gần đây.

Các trung tâm thương mại Parkson luôn trong tình trạng khá vắng vẻ.
Các trung tâm thương mại Parkson luôn trong tình trạng khá vắng vẻ.

Liên tiếp đóng cửa, doanh thu sụt giảm

Sau tám năm hoạt động, trung tâm thương mại mua sắm hiện đại và cao cấp Parkson Việt Tower chính thức công bố thay đổi địa điểm kinh doanh từ ngày 15/12/2016.

Sau 3 lần tuyên bố đóng cửa, tại Việt Nam, Parkson còn 7 trung tâm tại 3 thành phố, trong đó có 5 trung tâm tại TPHCM, gồm Parkson Saigontourist (Quận 1), Parkson Hùng Vương Plaza (Quận 5), Parkson C.T Plaza (Quận Tân Bình), Parkson Cantavil Premier (Quận 2), Parkson The Flemington (Quận 11). Ngoài ra, Parkson còn 2 trung tâm thương mại khác tại Hải Phòng và Đà Nẵng.

Trong thông cáo phát đi về việc di dời, Parkson cho biết, lý do đóng cửa tại Việt Tower là để chuyển địa điểm kinh doanh nhưng đáng lưu ý, thông cáo hoàn toàn không tiết lộ địa điểm chuyển tới là ở đâu.

"Hiện nay, khi thị trường ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ kinh doanh tại các trung tâm thương mại với mô hình shopping center quy mô lớn đi vào hoạt động, kèm theo những tiện ích hiện đại giữ chân khách hàng nên thị trường càng bị cạnh tranh quyết liệt. Vì thế Parkson Việt Tower tại Hà Nội không thể tiếp tục hoạt động tại cùng địa điểm", phía Parkson cho biết.

Trong trường hợp nếu không mở tại một địa điểm mới nào khác, đồng nghĩa với việc Parkson đã hoàn toàn sẽ rút chân khỏi thị trường Hà Nội. Và mặc dù mong muốn "giữ được vị thế của mình trong lòng khách hàng và vẫn luôn là một địa điểm mua sắm đáng tin cậy dành cho mọi nhà" nhưng thực tế thời gian qua, hoạt động kinh doanh của Parkson liếp tiếp gặp biến động.

Hồi giữa năm nay, Parkson tiếp tục đóng cửa Parkson Paragon tại Quận 7, TPHCM thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng sau 5 năm hoạt động. Trước đó, tại Hà Nội, hồi đầu năm 2015, ngay trong mùa mua sắm tăng cao Parkson Landmark tại toà nhà Keangnam cũng đã “vội vàng” đóng cửa, ngưng hoạt động gây bức xúc cho khách thuê với lý do kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.

Đi cùng với đó, việc kinh doanh của họ ở Việt Nam sa sút trong những năm gần đây. Thông tin trên truyền thông cho thấy, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán trong quý III kết thúc vào 31/3/2016 của Parkson Retail Asia Limited (năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hàng năm), nhà bán lẻ này tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả ở Việt Nam, sụt giảm 8,2%; và tổng cộng 9 tháng của năm tài chính 2016, các trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương gần 80 tỷ đồng).

Vì đâu nên nỗi?

Trước đó Parkson còn "rút" khỏi một thỏa thuận thuê mặt bằng thương mại của một dự án cao cấp tại quận 3 để kinh doanh. Được biết, ngày 21/9/2012, Tập đoàn C.T Group và Parkson Việt Nam đã ký kết tiến độ triển khai tại khu phức hợp Léman Luxury Apartments với dự kiến sẽ cho khai trương trung tâm thương mại với nhiều mặt hàng cao cấp: thời trang, đồ nội thất, khu ẩm thực… vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị "đổ bể" và tới thời điểm hiện tại trung tâm thương mại được kỳ vọng là "đẹp và hiện đại nhất" này của Parkson vẫn chưa đi vào hoạt động.

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ của Tập đoàn Lion, đến từ Malaysia. Kể từ khi vào Việt Nam, Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến Parkson lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim…

Thời gian đầu Parkson đã khá thành công, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính vì mô hình này khiến Parkson càng ngày càng "lép vế" so với các trung tâm mua sắm tên tuổi khác gia nhập thị trường.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm cao cấp, các trung tâm thương mại ở Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh của các trung tâm thương mại ở các nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản... nơi giới giàu có dễ dàng đến để mua hàng cao cấp, hoặc những nhà phân phối từ các nước này vào Việt Nam cạnh tranh với họ.

Một báo cáo từ CBRE cũng chỉ ra những thách thức cho các nhà bán lẻ trong việc mở rộng hoạt động, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, càng làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường tăng cao.

Theo ông Sebastian Skiff – GĐ điều hành Dịch vụ bán lẻ của CBRE: "Môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược. Các nhà bán lẻ cũng nên tập trung rà soát danh mục đầu tư và hợp nhất, mặc dù họ đang chú ý đến bất động sản hoàn thiện và các địa điểm thu hút đầu tư trên thị trường”.

Phương Dung