1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

OTC đang ấm dần

Những ngày qua, không ít ý kiến cho rằng thị trường OTC đang có dấu hiệu “ấm” dần lên, nhất là CP ngành ngân hàng. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi thì chỉ có một số loại CP OTC sau quá trình sàng lọc vàng thau mới trở về với giá trị thực.

Lợi nhuận khá ấn tượng đầu năm 2007 của những Đông Á, Techcombank, Eximbank, Ngân hàng Quân đội, Phương Nam, Phương Đông, Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí, Bảo Việt, Bảo hiểm dầu khí, Hòa Phát... đã giúp cho những cổ phiếu này trên thị trường OTC nhích lên từ 2-10% sau một thời gian dài rớt giá.

Nhiều nhà đầu tư đã nhận ra nhiều cổ phiếu của ngành ngân hàng và bảo hiểm đã rớt xuống mức gần như thấp nhất có thể nên đã mua trở lại sau một thời gian không đoái hoài.

Việc NHNN cho phép tổ chức tài chính nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại cổ phần (như HSBC tăng cổ phần sở hữu tại Techcombank lên 15%), lợi nhuận của Đông Á, Techcombank, MB, PVI, Hoà Phát... đều trên 100 tỷ đồng 6 tháng đầu năm cũng góp phần cho nhiều loại cổ phiếu OTC tăng chút đỉnh hoặc chựng lại không rớt thêm.

Hơn nữa, nhiều cổ phiếu OTC đang có những chỉ số tài chính khá tốt mà nhà đầu tư đã nhận ra còn “sáng sủa” hơn nhiều loại cổ phiếu đang niêm yết tăng giá phi mã trong thời gian qua như BMC, TCT, HAX, SGH, LBM...

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam đưa ra ví dụ: “Giá của PVI (Bảo hiểm Dầu khí) hiện chỉ có khoảng 75.000 đồng/cổ phiếu (giá cổ phiếu trúng đấu giá lần 2) chưa bằng 1/2 so với  SGH đã niêm yết (155.000 đồng/cổ phiếu ngày 11/7) nhưng kết quả kinh doanh, lợi nhuận và nhiều chỉ số khác thì SGH không thể nào sánh được với PVI”.

Hàng loạt cổ phiếu OTC khác cũng đang chịu cảnh như PVI và đang chờ ngày lên sàn để lấy lại vị thế của mình.

TTGDCK TPHCM đã chấp thuận cho Cao su Tây Ninh và nhận được hồ sơ xin niêm yết trên sàn TPHCM của 8 Cty khác. TTGDCK Hà Nội cũng sắp có những thành viên mới như PVI, Vincom, Hoà Phát...

Thông tin trên đã khiến cổ phiếu của những doanh nghiệp sắp niêm yết như Cao su Tây Ninh, Cao su Thống Nhất, Gỗ Thuận An, Nhà Bà Rịa- Vũng Tàu, Quốc tế Hoàng Gia, Vitaco, Hoà Phát, Vincom, Vneco... không chỉ được giao dịch mạnh trong thời gian gần đây mà còn tăng giá dần cho đến ngày lên sàn.

Giá thấp đang là lợi thế của những cổ phiếu trên. Như Cao su Tây Ninh chỉ có giá dưới 130.000 đồng/cổ phiếu nhưng được đánh giá cao hơn Cao su Hoà Bình (mã chứng khoán HRC) hiện là 180.000 đồng/cổ phiếu, hay Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, PVI chỉ dưới 80.000 đồng/cổ phiếu  vẫn còn hấp dẫn hơn khá nhiều cổ phiếu đang niêm yết.

Phó Giám đốc một công ty Chứng khoán tại Hà Nội nói rằng đây là thời điểm tốt để mua cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC vì giá đã xuống tới mức hợp lý để đầu tư dài hạn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Trưởng bộ phận môi giới OTC công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) cho biết: “Từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến một số loại cổ phiếu OTC, đó là cổ phiếu của những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả chứ không còn quan niệm OTC là khó mua khó bán như trước”.

Tại chợ chứng khoán Nguyễn Công Trứ (Q.1), hàng loạt cổ phiếu tháng trước còn ế ẩm như Đông Á, Cao su Tây Ninh, Cao su Đồng Phú, Bia Sài Gòn miền Tây, Hoà Phát, PVI, Du lịch Dầu khí... đã có nhiều giao dịch thành công.

Trong khi đó nhiều loại cổ phiếu OTC của các ngân hàng mới nâng cấp từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng cổ phần đô thị, nhiều cổ phiếu của ngành dầu khí, bảo hiểm, địa ốc, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi dù có loại đã giảm đến 30 - 50% so với hồi tháng 3/2007 như An Bình, Việt Á, Bảo Long, chứng khoán Dầu khí...

Với nhiều nhà đầu tư đây vẫn là tín hiệu đáng buồn nhưng với thị trường chung thì tình trạng trên lại là dấu hiệu của một cuộc phân chia “đẳng cấp” rõ ràng hơn.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong