1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Ông lớn” ngành thép lo phá sản vì nhập khẩu phôi thép Trung Quốc tăng đột biến

(Dân trí) - Các nhà sản xuất thép trong nước lo ngại, với lượng nhập khẩu tăng mạnh, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như đã xảy ra trong năm 2015, thậm chí phải đóng cửa.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình nhập khẩu thép từ Trung Quốc, trong đó đề cập tới nguy cơ đe dọa nghiêm trọng, gây thiệt hại tới sản xuất thép trong nước.

Tại công văn này, VSA cho biết, trong năm 2015, tổng lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam gần 19,9 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2014. Riêng trong tháng 1/2016, nhập khẩu thép các loại đã gần 1,7 triệu tấn, tăng 30,45% so với tháng 1/2015, với kim ngạch nhập khẩu đạt 599 triệu USD.

Đáng lưu ý, theo VSA, nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao đột biến. Cụ thể, đối với sản phẩm phôi thép, nhập khẩu trong năm 2015 gần 1,9 triệu tấn, tăng cao đột biến 214% so với năm 2014. Riêng trong tháng 1 năm nay, nhập khẩu phôi thép tiếp tục tăng 231,83%. Cùng với lượng phôi thép nhập khẩu tăng cao đột biến, giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 giảm mạnh tới 67,6% so với cùng kỳ tháng 1/2015.

Trong khi đó, sản xuất phôi thép trong nước cả năm 2015 đạt 5,6 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2014. Do lượng phôi thép nhập khẩu ào ạt với giá thấp hơn rất nhiều so với giá bán trong nước, các nhà sản xuất phôi thép trong nước bị thu hẹp thị phần, chỉ vận hành khoảng 50% công suất. Giá thành sản xuất phôi thép trong nước dao động ở mức cao, không thể cạnh tranh được với phôi nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

"Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn trong năm 2016. Với lượng nhập khẩu này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như đã xảy ra trong năm 2015, thậm chí phải đóng cửa”, VSA cho biết.

Ngoài phôi thép, nhập khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng tăng gần 90% trong năm 2015. Riêng trong tháng 1/2016, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh gần 107% với giá trị nhập khẩu đạt 19 triệu USD, tăng 34,98%.

Trước VSA, hai doanh nghiệp lớn trong ngành thép cũng có công văn kiến nghị lên Thủ tướng về vấn đề này. Trong đó, các doanh nghiệp này cho rằng, với lượng nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép Việt Nam sẽ không thể trụ vững và gặp nhiều khó khăn, nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi thép nhập khẩu.

Cuối năm 2015, một số doanh nghiệp lớn trong ngành thép đã gửi hồ sơ yêu cầu đề nghị xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Tại văn bản lần này, VSA tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương xem xét ra quyết định sơ bộ và áp thuế tạm thời sớm nhất có thể với vụ việc này.

Hồi tháng 10/2015, Văn phòng Chính phủ từng có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không bảo đảm các quy định về chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng. Đồng thời, các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, hành chính… phải được đưa ra để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép.

Phương Dung

“Ông lớn” ngành thép lo phá sản vì nhập khẩu phôi thép Trung Quốc tăng đột biến - 2