1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ông Đỗ Mười đã “bắt bệnh” siêu lạm phát ra sao?

(Dân trí) - Thời đó,sau khi đi sâu nghiên cứu tình hình kinh tế - tài chính, ông kết luận: Lạm phát ở nước ta có nguyên nhân do hậu quả của ba cuộc chiến tranh, song chủ yếu là do những yếu kém về tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội dẫn đến những mất cân đối lớn trong nền kinh tế.

Dưới đây, Dân Trí lược trích từ bài viết “Anh Đỗ Mười và cuộc đấu tranh kiềm chế và đẩy lùi lạm phát (1988-1989)” của tác giả Nguyễn Thượng Hòa – nguyên Quyền Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, nguyên cố vấn, chuyên gia cao cấp trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật (2012).

Ông Đỗ Mười là người có dấu ấn rõ nét trong công cuộc kiềm chế lạm phát phi mã giai đoạn sau khi đất nước đổi mới
Ông Đỗ Mười là người có dấu ấn rõ nét trong công cuộc kiềm chế lạm phát phi mã giai đoạn sau khi đất nước đổi mới

Luôn luôn lo lắng về tình hình giá cả tăng cao

Ông Nguyễn Thượng Hòa cho biết, từ tháng 10/1956, khi được Đảng điều về làm Thứ trưởng Bộ Nội thương, ông Đỗ Mười đã rất quan tâm lĩnh vực kinh tế. Một trong những vấn đề ông thường xuyên yêu cầu báo cáo là tình hình thị trường, giá cả và những biện pháp bình ổn giá, đặc biệt là vấn đề cân đối ba mặt: tiền tệ - tài chính - hàng hóa (lúc đó thường gọi là kim - tài - mậu).

Dưới sự chỉ đạo của ông Đỗ Mười, ngành thương nghiệp đã cùng với các ngành tài chính, ngân hàng tích cực đấu tranh bình ổn giá có kết quả trong suốt thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau kháng chiến chống thực dân Pháp (1955-1960).

Đầu những năm 1980, khi trở lại với công tác kinh tế trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khởi công nghiệp - xây dựng - vật tư - tài chính - tiền tệ - vật giá - nội, ngoại thương, ông luôn luôn lo lắng về tình hình giá cả tăng cao, bắt đầu có biểu hiện lạm phát.

"Anh làm việc ngày đêm với các đồng chí phụ trách các ngành, các địa phương để thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đôn đốc việc tiếp nhận nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhập khẩu và cung ứng cho các ngành sản xuất, chỉ đạo hằng ngày việc thu mua nguồn hàng trong nước và cung ứng cho thị trường, công tác tài chính, ngân hàng, vật giá. Kết quả là từ năm 1981 đến năm 1985, giá hàng tháng chỉ tăng ở mức 3-5%", ông Hòa kể lại.

Đi sâu nghiên cứu tình hình kinh tế - tài chính, ông rút ra kết luận: Lạm phát ở nước ta có nguyên nhân do hậu quả của ba cuộc chiến tranh, song chủ yếu là do những yếu kém về tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội dẫn đến những mất cân đối lớn trong nền kinh tế.

"Bắt bệnh" lạm phát

Ông Đỗ Mười lúc đó đã chỉ ra hàng loạt mất cân đối rất quan trọng trực tiếp gây ra lạm phát chưa được khắc phục, đó là:

- Mất cân đối cung cầu hàng hoá: Việc thực hiện ba chương trình: sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lương thực), sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu, tuy có làm tăng thêm lượng hàng hóa sản xuất ra, nhưng hàng hóa trên thị trường vẫn khan hiếm, vì phần lớn hàng hóa sản xuất ra được đưa vào cung cấp theo tem phiếu, một số loại hàng dành để xuất khẩu theo các hiệp định của khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN - PV) như hàng may mặc, giày dép, rượu, thuốc lá, v.v... lượng đưa ra bán ở thị trường không đáng kể.

Vật tư cho sản xuất như xăng dầu, kim khí, phân hóa học, bông sợi, hóa chất nhập khẩu từ các nước XHCN không đáp ứng nhu cầu. Việc nhập bổ sung từ các nước ngoài XHCN bị hạn chế do thiếu ngoại tệ mạnh. Đại bộ phận vật tư lại được đưa vào cung cấp theo kế hoạch cho các DNNN, phân bón thì đưa vào hợp đồng hai chiều để trao đổi thóc lúa với nông dân, phần đưa ra thị trường bán cho các cơ sở sản xuất tư nhân rất ít.

Mặt khác, ta lại tự làm khó ta bằng những quy định hạn chế ngặt nghèo việc nhập khẩu qua đường phi mậu dịch của cán bộ, chuyên gia ra nước ngoài công tác, sinh viên và người Việt lao động ở nước ngoài đem theo khi về nước, hạn chế Việt kiều gửi hàng hóa và ngoại tệ về nước cho thân nhân.

- Mất cân đối thu chi tài chính: Do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả mà thu nhập quốc dân tăng chậm, mức động viên cho ngân sách thấp, lại bị thất thu nhiều, nhất là thuế. Ngược lại yêu cầu chi rất lớn mà đại bộ phận là các khoản bao cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, chi bù lỗ xuất, nhập khẩu, chi hỗ trợ hàng cung cấp theo tem phiếu, chi lương cho công nhân, viên chức nhà nước và trợ cấp theo các chính sách xã hội... Hậu quả là ngân sách nhà nước bội chi ngày càng lớn và Nhà nước phải yêu cầu ngân hàng phát hành thêm tiền mặt cho ngân sách vay để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

- Mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu và giữa thu chi ngoại hối: Nguyên nhân chính là tỷ giá ngoại hối bất hợp lý, Nhà nước định giá ngoại tệ quá thấp so với giá trị thực trên thị trường. Hậu quả là xuất khẩu thường bị lỗ lớn, Nhà nước phải trợ giá xuất khẩu, ngược lại giá bán hàng nhập khẩu lại quá rẻ khiến Nhà nước thất thu rất lớn. Hằng năm ngân sách nhà nước phải bù lỗ rất lớn cho xuất nhập khẩu.

Cũng do tỷ giá ngoại hối bất hợp lý nên hằng năm yêu cầu Nhà nước cấp ngoại tệ để nhập khẩu vật tư, hàng hóa thiết yếu rất lớn, trong khi ngoại tệ các doanh nghiệp xuất khẩu thu được thì doanh nghiệp chiếm dụng phần lớn, số kết nối cho ngân sách rất ít.

- Mất cân đối giữa tín dụng và huy động vốn vào ngân hàng: Do lãi suất tín dụng quá thấp và giữ nguyên trong một thời gian dài trong khi giá cả thị trường tăng ngày càng cao đã khiến lãi suất của ngân hàng trên danh nghĩa là "dương" nhưng trên thực tế là "âm".

Vì vậy từ DNNN đến tập thể, tư nhân đều đổ xô vào vay vốn của ngân hàng, bởi vay được càng nhiều càng có lợi do đồng tiền mất giá. Đầu năm vay 1 triệu đồng, cuối năm số tiền phải trả nợ ngân hàng giá trị thực tế chỉ còn khoảng 200.000 - 300.000 đồng.

Có chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói với anh Đỗ Mười: "Đầu năm hợp tác xã vay tiền ngân hàng để mua cả con trâu, đến cuối năm số tiền phải trả nợ ngân hàng chỉ bằng đuôi trâu".

Ngược lại, do lãi suất tiền gửi vào ngân hàng thực tế "âm" nên không ai chịu gửi tiền vào ngân hàng vì chỉ một thời gian sau, đồng tiền mất giá thì gần như mất trắng số tiền gửi. Nhân dân không còn tin tưởng vào giá trị đồng tiền. Người có nhiều tiền đều đem mua vàng và hàng có giá trị để cất giữ trong gia đình. Các doanh nghiệp cũng không gửi tiền chưa dùng đến vào ngân hàng mà đem mua tư liệu sản xuất để cất giữ.

Vì vậy, mất cân đối giữa tín dụng của ngân hàng và vốn mà ngân hàng huy động được ngày càng nghiêm trọng. Ngân hàng phải phát hành thêm tiền mặt để cho vay. Lượng tiền mặt trên thị trường tăng rất nhanh, có năm tăng tới 300 - 400%.

Tác động cộng hưởng của các mất cân đối trên đây dẫn tới hậu quả là mất cân đối tiền, hàng ngày càng nghiêm trọng. Tiền ra khiến sức mua bằng tiền của xã hội tăng. Ngược lại, nguồn cung hàng hóa cho xã hội tuy có tăng do các chính sách thúc đẩy sản xuất của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn thấp xa so với nhu cầu xã hội bằng tiền. Tiền nhiều mà hàng ít thì giá cả bị đẩy lên. Giá lên làm tăng nhu cầu tiền lưu thông, buộc ngân hàng phải phát hành thêm tiền. Tiền ra thêm lại đẩy giá lên. Đó là cái vòng luẩn quẩn xoáy trôn ốc làm cho lạm phát ngày càng nghiêm trọng, vì chỉ số lạm phát luôn luôn tương ứng với chỉ số phát hành tiền mặt.

(Còn nữa)

Bích Diệp (lược ghi)

Ông Đỗ Mười đã “bắt bệnh” siêu lạm phát ra sao? - 2