1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Oái oăm chuyện thoái vốn của VNPT

MobiFone là “con gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) với việc đóng góp tới 50% tổng lợi nhuận. Thế nhưng, nếu phải thoái vốn, mạng này cũng là phương án dễ được chọn nhất.

Lưỡng nan

 

Theo Nghị định 25 mới được ban hành, VNPT sẽ phải thoái vốn xuống 20% tại một trong 2 mạng di động mình đang sở hữu là MobiFone hoặc VinaPhone. Nếu không muốn thoái vốn, tập đoàn này phải thực hiện biện pháp sáp nhập 2 mạng di động thành một công ty.

 

Oái oăm chuyện thoái vốn của VNPT  - 1
MobiFone là “mỏ vàng” lợi nhuận của VNPT

 

Tuy nhiên, MobiFone đã được Thủ tướng phê duyệt quyết định CPH, thực hiện xong việc định giá và chờ phát hành lần đầu. Vì thế, nếu muốn hợp nhất, VNPT phải đệ trình phương án dừng thực hiện quyết định CPH mà Thủ tướng đã ban hành. Đây là chưa kể đến việc VinaPhone là đơn vị đang hạch toán phụ thuộc, việc sáp nhập với MobiFone sẽ đòi hỏi quá trình tách bạch chi phí, đánh giá lại... mất rất nhiều thời gian.

 

Một nguồn tin từ VNPT cho biết, nếu phương án này được đệ trình thì việc thực hiện cần phải có “một phép màu” mới có thể tiến hành được nhanh. Cũng vì thế, khả năng xảy ra là rất thấp. Bên cạnh đó, phương án này cũng nhận được không ít chỉ trích từ phía các chuyên gia kinh tế.

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Thị trường thông tin di động đang ở thế chân vạc: Viettel - MobiFone - VinaPhone. Nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone thì sẽ tạo ra một công ty có thị phần tới 50-60% và có hại cho cạnh tranh, kéo theo có hại cho lợi ích của người tiêu dùng”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng, phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone không những không giúp tái cơ cấu ngành thông tin di động mà còn là một bước lùi khổng lồ: Tăng cường sức mạnh độc quyền của VNPT mà bao năm nay chúng ta cố gắng xoá bỏ. Nó cũng không phù hợp với sự phát triển của đất nước và sẽ gây khó khăn lớn cho các công ty di động khác, vì công ty được sáp nhập này sẽ chi phối thị trường.

 

“Hãy nhớ rằng, ngành viễn thông Mỹ thực sự phát triển sau khi Chính phủ Mỹ ra luật xé nhỏ tập đoàn viễn thông độc quyền AT&T” - tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh.

 

Phương án nào?

 

Hiện tại, khi MobiFone đang hoạt động độc lập và đã có quyết định CPH, có tư vấn nước ngoài hoàn tất việc định giá DN, thoái vốn tại hãng di động này sẽ dễ tiến hành hơn. Với VinaPhone, do hạch toán phụ thuộc, đề án CPH cũng chưa có, việc thoái vốn sẽ đòi hỏi một thời gian rất lâu.

 

“Nếu lựa chọn thoái vốn tại VinaPhone thì có thể hiểu rằng, còn lâu mới thực hiện được” - một chuyên gia có kinh nghiệm về CPH các công ty cho biết.

 

Thế nhưng, điều oái oăm là nếu thoái vốn tại MobiFone, VNPT sẽ phải bán đi phần lớn cổ phần của DN đang đóng góp tới 50% tổng lợi nhuận hằng năm cho mình.

 

Trước đó, tiến trình CPH của MobiFone được bắt đầu từ năm 2005 và đã trải qua hầu hết các bước cần thiết về thủ tục. Duy chỉ có việc “ấn nút” khởi động cho kế hoạch phát hành lần đầu (IPO) và lựa chọn đối tác chiến lược là chưa thực hiện.

 

Nhiều chuyên gia về kinh tế có chung nhận định: “VNPT không muốn bán cho người khác “nồi cơm chính” của mình là nguyên nhân khiến CPH MobiFone liên tục chậm trễ”.

 

Vào hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, MobiFone bắt buộc phải CPH trong năm 2011. Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, việc bắt buộc MobiFone thực hiện CPH trong năm nay là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến hành đổi mới, cơ cấu lại DN, đồng thời cũng để tăng cường thu hút các NĐT nước ngoài, qua đó góp phần phần tái cơ cấu lại nền kinh tế nhà nước.

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành thì bình luận: “Có người nhìn nhận năm nay không phải là thời điểm thuận lợi cho CPH DN nhà nước lớn như MobiFone. Tôi lại có góc nhìn khác”.

 

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, CPH MobiFone mang lại nhiều ý nghĩa hơn là mức giá bán. Thứ nhất, đó là lòng tin của NĐT nước ngoài vào quá trình cải cách tại Việt Nam nói chung và DN nhà nước nói riêng. CPH MobiFone đã bị trì hoãn rất lâu, việc Chính phủ vẫn quyết tâm đẩy mạnh tiến trình này trong bối cảnh hiện nay sẽ thể hiện cam kết và quyết tâm cao đối với cải cách.

 

Thứ hai, đối với DN, việc CPH đi kèm với bổ sung đối tác chiến lược lớn có tiềm lực về công nghệ, quản lý, tài chính... sẽ giúp họ tăng sức cạnh tranh.

 

Thứ ba, với thị trường viễn thông, CPH MobiFone cũng thúc đẩy mạnh hơn sức ép cạnh tranh với tất cả các DN và điều này sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng.

 

“Tất nhiên, với VNPT thì có thể họ không muốn đẩy nhanh quá trình CPH và thoái vốn xuống 20% tại MobiFone. Thế nhưng, Nhà nước phải cân nhắc xem đứng về lợi ích của ai để ra quyết định” - ông Thành nói.

 

Theo Thùy Chi

Lao động