1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ô tô, xăng dầu, sắt thép ồ ạt đổ bộ, Việt Nam đã nhập siêu hơn 2,73 tỷ USD

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đã nhập siêu hơn 2,73 tỷ USD, trung bình các tháng nhập siêu hơn 680 triệu USD. Riêng tháng 4/2017, nhập siêu đã lên đến 800 triệu USD. Xu hướng nhập siêu ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là nhập các mặt hàng tiêu dùng có giá trị lớn như ô tô, xăng dầu.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tháng 4 đạt 34,2 tỷ USD, xuất khẩu là hơn 16,7 tỷ USD, nhập khẩu là 17,5 tỷ USD, nhập siêu nền kinh tế trong tháng là 800 triệu USD.

Luỹ kế hết tháng 4 năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 125,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 61,34 tỷ USD, nhập khẩu là 64,07 tỷ USD, nhập siêu của nền kinh tế đạt hơn 2,73 tỷ USD.

Ô tô là 1 trong 3 mặt hàng nhập khẩu tiêu dùng lớn, khiến cho Việt Nam nhập siêu ngày càng nặng nề (ảnh minh hoạ)
Ô tô là 1 trong 3 mặt hàng nhập khẩu tiêu dùng lớn, khiến cho Việt Nam nhập siêu ngày càng nặng nề (ảnh minh hoạ)

Tính chung, mỗi tháng, cả nước nhập siêu hơn 682 triệu USD, khoảng hơn 15.560 tỷ đồng, mỗi ngày nhập siêu hơn 518 triệu đồng.

Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 4 tháng qua vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, nhập khẩu hơn 11,32 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng máy vi tính cũng đạt hơn 10,45 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu đạt hơn 5,8 triệu tấn, với kim ngạch hơn 3,3 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xăng dầu cũng tăng nhập rất mạnh với hơn 2,06 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng qua vẫn tăng khá thấp. Điện thoại và linh kiện, một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 2 năm qua cũng chỉ đạt 11,37% tăng chỉ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giá trị mặt hàng này đã bắt đầu có xu hướng chững lại. Hàng dệt may xuất khẩu 4 tháng qua chỉ tăng 9%, đạt 7,4 tỷ USD, kim ngạch vẫn thấp so với kỳ vọng bởi quý I/2017 theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, số đơn hàng dệt may xuất khẩu đi Mỹ và EU, Nhật chưa tăng. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản cũng chỉ có mức tăng khá thấp, 9% về kim ngạch với 2,13 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, xu hướng nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm và có phần chững lại đã khiến giá trị xuất khẩu tăng thấp hơn. Trong khi đó, Việt Nam ngày càng cắt, giảm nhiều loại thuế quan nhập khẩu các mặt hàng từ các nước như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... điều này khiến lượng hàng nhập về nhiều, giá trị cao nhưng thu thuế ít, thâm hụt ngân sách ngành hải quan đang tăng lên.

Đặc biệt, từ đầu năm nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, vật liệu có giá trị lớn tăng mạnh về lượng và giá như: xăng dầu, sắt thép thành phẩm, ô tô nguyên chiếc... Đây chính là một nguyên nhân khiến cho nền kinh tế chịu thâm hụt thương mại nhiều hơn. Yếu tố thâm hụt này khó cải thiện bởi chủ yếu là nhập khẩu để tiêu dùng trong nước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 4/2017, xu hướng xe nhập nguyên chiếc về Việt Nam đã giảm về lượng. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ là tăng mạnh về giá trị khai báo hải quan.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1 đến 15/4, cả nước đã nhập khẩu hơn 3.868 xe ô tô nguyên chiếc, trong đó xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi là 1.292 xe, chiếm 33% tổng lượng nhập.

So với 15 ngày đầu tháng 3/2017, tổng lượng xe nguyên chiếc nhập là hơn 6.348 xe, trong đó xe con là hơn 4.800 chiếc (chiếm 75%). Như vậy, lượng nhập đã giảm hơn 2.400 chiếc, trong đó xe con đã giảm hơn 3.500 chiếc. Ngoài ra, so với 15 ngày cuối tháng 3, lượng xe nhập nguyên chiếc cũng giảm gần 980 chiếc, trong đó xe con là hơn 600 chiếc.

Đối chiếu với lượng và giá xe nhập 15 ngày tháng 4 năm 2016, tổng lượng nhập đạt hơn 4.200 chiếc, trong đó xe con là hơn 1.880 chiếc. Lượng xe nhập cùng kỳ của tháng 4/2017 giảm gần 400 xe, trong đó xe con giảm gần 600 chiếc.

Nguyễn Tuyền