1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nước mắm “hóa chất công nghiệp” và lời nhắn nhủ “doanh nhân làm giàu văn minh”

(Dân trí) - Ngày Doanh nhân (13/10), Thủ tướng nhắn nhủ, các doanh nhân “nỗ lực làm giàu văn minh” còn ông Vũ Tiến Lộc cắt nghĩa “doanh nhân” không phải là “trọc phú”. Trong khi đó, hàng loạt vấn đề được đưa ra tranh cãi trong tuần, từ nước mắm công nghiệp = hóa chất + nước cho đến xe nhập: độc quyền + gian lận = siêu lợi nhuận…

Ngoài ra, những vấn đề về triển khai khoán xe công, Bộ Công Thương xin mua thêm xe mới; Samsung dừng sản xuất Note7; thu nhập bình quân người Việt nhẽ ra đã ở mức 10.000 USD… là những thông tin được độc giả quan tâm trong tuần qua.

Doanh nhân làm giàu văn minh, không trở thành "trọc phú"

Trong 1 sự kiện tôn vinh doanh nhân Việt Nam ngày 13/10, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, doanh nhân "nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng".

Nước mắm “hóa chất công nghiệp” và lời nhắn nhủ “doanh nhân làm giàu văn minh” - 1

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhắn nhủ các doanh nhân rằng, nếu như trước kia những người làm kinh doanh có thể đi lên từ kinh nghiệm và quan hệ mà không cần học vấn thì ngày nay, trong bối cảnh mới, môi trường kinh doanh trở nên minh bạch, bình đẳng, sẽ không còn "đất" cho quan hệ.

Doanh nhân phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man như trước. Đồng thời, cho rằng, người kinh doanh phải trở thành một "doanh nhân" đúng nghĩa thay vì là "trọc phú".

Lãnh đạo tỉnh hứa uống cà phê với doanh nghiệp 1 lần/tháng

Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trước thềm ngày Doanh nhân trong tuần qua, trong tuần qua, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi hứa hẹn: UBND tỉnh sẽ tổ chức uống cà phê với doanh nghiệp 1 lần/tháng để chia sẻ và xử lý khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại vừa rồi, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xây dựng đều bức xúc về nợ đọng tiền công trình của chính quyền (chủ đầu tư); tiền thuê đất quá cao và chưa hợp lý; áp lực từ đơn vị thuế; định mức lương đầu vào trong dự toán; giải phóng mặt bằng để đầu tư dự án; thủ tục hành chính...

Thứ trưởng nhận khoán xe công, dân hỏi "ông đi taxi thật à?”

Chia sẻ về những ngày đầu nhận khoán xe công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, ông bị nhiều người dò xét, liệu có phải là ông đang “PR” cho bản thân hay không? Rồi cũng có người nghi ngờ, liệu rằng việc ông bắt taxi đi làm có phải là hình thức.

Nước mắm “hóa chất công nghiệp” và lời nhắn nhủ “doanh nhân làm giàu văn minh” - 2

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, việc nhận khoán xe công và chuyển sang đi taxi hay các phương tiền khác là một việc bình thường, “không có vấn đề gì phải nề hà”. Bởi, nhiệm vụ của cá nhân là làm sao đến nơi làm đúng giờ, còn đi bằng phương tiện gì thì phải tự thu xếp. Ông nói: “Hồi tôi còn làm Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, tôi vẫn thường xuyên đi xe máy, đi xe đạp.

Lý giải vì sao việc nhận khoán xe công chưa rộng rãi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho hay, phải có quy định chứ không thể dựa trên sự tự nguyện, vì đây là tiêu chuẩn gắn với chức danh nên không mấy ai từ bỏ. “Nhiều anh nói, đi làm mang theo tài liệu quan trọng của quốc gia, nếu để mất thì sao? Tư thế này mà phải đi taxi, đi xe biển trắng? Đến các cơ quan, trụ sở Nhà nước thì có gặp phiền hà với bảo vệ hay không? Nhiều lý do lắm. Chỉ vì người ta không thích thì lấy lý do không làm thôi” - ông nói.

Trong khi đó, trước những hối thúc của Bộ Tài chính về rà soát xe công, Bộ Công Thương cho biết, trong 57 xe dư thừa theo quy định mới về định mức xe công thì có tới 55 xe đã quá thời gian sử dụng theo quy định mà không thể tiếp tục sử dụng được hoặc đã hỏng nhưng việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không hiệu quả. Nhưng Bộ này lại xin mua tăng thêm 19 xe.

3.000 tỷ đồng đền bù cho ngư dân miền Trung đã về đến địa phương

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, ngày 10/10, Bộ Tài chính đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 địa phương để đền bù cho người dân bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển. Đến cuối ngày 10/10, số tiền tạm cấp nói trên đã được chuyển tới tài khoản của 4 địa phương. Trong đó, Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế 400 tỷ đồng.

Số tiền này trích từ khoản tiền mà Formosa Hà Tĩnh bồi thường nhằm để các tỉnh tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại. Quá trình đền bù được khẳng định sẽ "thực hiện công khai, minh bạch".

"Lẽ ra người Việt đã phải đạt thu nhập bình quân 10.000 USD"

Cảnh báo thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu, các chuyên gia Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, năm 2015, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già, với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD/người nhưng đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công/người, tương đương 62,2% thu nhập.

So với mức bình quân các nước, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD/người.

Tranh cãi nảy lửa về "nước mắm công nghiệp = nước + hóa chất"

Trong khi nước mắm công nghiệp ngày càng thắng thế trên thị trường, với 150 triệu lít/năm (chiếm 75% doanh thu), thì nước mắm truyền thống lại dần thu hẹp thị trường.

Nước mắm “hóa chất công nghiệp” và lời nhắn nhủ “doanh nhân làm giàu văn minh” - 3

Đại diện gần 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nước mắm đều thống nhất quan điểm, nước mắm phải được sản xuất từ quá trình ủ chượp cá và muối trong một thời gian dài. Doanh nghiệp phải có nhà thùng, tổ chức được nguồn nguyên liệu đầu vào hợp chuẩn… Trong khi đó, nước mắm công nghiệp thu được từ việc dùng nước muối nhạt pha loãng nước mắm truyền thống, bổ sung đạm, phẩm màu, chất điều vị, chất bảo quản, axit, hương cá… nên thời gian thành phẩm rút ngắn, rất có lợi cho doanh nghiệp. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, nước mắm công nghiệp chỉ dựa trên công thức nước + hóa chất.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược chiều cho rằng, không phải nước mắm cứ có độ đạm cao là tốt. Bởi trong quá trình phân giải, lên men cũng có đạm xấu (đạm amoniac) hay còn gọi là đạm thối, cơ thể không hấp thụ được, đồng thời làm cho sản phẩm có mùi khẳm, trở mùi và màu sắc bị xuống rất nhanh. Chưa kể, độ đạm cao cũng tỷ lệ thuận với khả năng tồn dư histamine và kim loại nặng, đặc biệt là Arsen cũng sẽ tăng.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Tổng thanh tra xe nhập: Độc quyền + gian lận = siêu lợi nhuận

Bộ Tài chính đã tiến hành tổng thanh tra công tác chống buôn lậu, quản lý - giám sát đối với hoạt động nhập khẩu ô tô tại Tổng cục Hải quan, trong đó đặc biệt chú ý tới nhóm xe sang và xe dưới dạng quà biếu. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 30/9/2016, thời điểm áp dụng thông tư 20/2011-TT BTC quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Nước mắm “hóa chất công nghiệp” và lời nhắn nhủ “doanh nhân làm giàu văn minh” - 4

Những thông tin đầu tiên rò rỉ từ Bộ Tài chính cho thấy không chỉ một số đơn vị phân phối thương mại mà cả đại gia xe chính hãng cũng dùng chiêu trò để gian lận thuế. Và việc hai nhãn xe hạng sang chính hãng có khả năng bị truy thu hàng trăm tỉ tiền thuế phần nào cho thấy thông tư 20 về nhập khẩu xe không phải là rào chắn hoàn hảo để ngăn gian lận thuế như nhiều người lầm tưởng.

Gần 13.000 chiếc Note 7 đã được bán ra tại thị trường Việt Nam

Ngày 12/10, Tập đoàn Samsung chính thức thông báo việc dừng sản xuất sản phẩm Galaxy Note 7. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên – Chi nhánh TPHCM và Cục Quản lý cạnh tranh đồng thời cũng chấm dứt chương trình đổi mới sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 và tiến hành chương trình thu hồi và hoàn tiền sản phẩm này. Số lượng điện thoại nằm trong chương trình thu hồi và hoàn trả tiền lên tới 12.633 chiếc.

Việt Nam vốn được biết đến là một trong những cứ điểm sản xuất lớn của Samsung với hai nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, hiện cung ứng khoảng 35% tổng sản lượng thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu. Việc Note 7 dừng sản xuất được cho là chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế nói chung và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.

Mỗi tháng "đẻ" ra 358 quy hoạch

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện quy hoạch của các bộ, ngành và địa phương rất nhiều. Trong 3 năm 2011 - 2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập về phê duyệt, gần nhất năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt. Đáng nói, các quy hoạch đa phần chưa có tính liên kết, còn chồng chéo và đầy mâu thuẫn.

Mâu thuẫn trong quy hoạch phát triển tất yếu dẫn đến mâu thuẫn trong các quyết định đầu tư và là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.

Bích Diệp (tổng hợp)