1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Doanh nhân tuổi Tuất lừng lẫy thương trường Việt Nam

(Dân trí) - Ở Việt Nam, có thể thấy những doanh nhân tuổi Tuất (sinh vào năm 1958, 1970…) trong những năm qua đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và ghi danh lừng lẫy, không chỉ trong nước mà cả phạm vi toàn cầu. Dưới đây, Dân Trí điểm qua tên tuổi một số doanh nhân tuổi Tuất:

Ông Bùi Thành Nhơn (1958 – Mậu Tuất)


Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland

Ông Bùi Thành Nhơn sinh năm 1958 tại Đồng Tháp. Là một đại gia tiếng tăm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, song ông Nhơn lại xuất phát điểm là cử nhân chăn nuôi thú y, từng bắt đầu sự nghiệp bằng những công việc trong ngành thú y.

Năm 1992, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn với 400 triệu đồng, kinh doanh thuốc thú y và các loại dược liệu, hoá chất. Và phải đến giai đoạn 2006-2007, ông mới bén duyên với thị trường bất động sản.

Với việc tái cấu trúc và hợp nhất các công ty thành 2 tập đoàn Anova Corp và Novaland, đến nay, ông Bùi Thành Nhơn đã đưa Novaland trở thành một trong những công ty có uy tín trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản, tổng số vốn điều lệ gần 6.000 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2016, Novaland niêm yết trên sàn giao dịch TPHCM (HSX). Trên cương vị Chủ tịch HĐQT tập đoàn, ông Bùi Thành Nhơn sở hữu trên 145,7 triệu cổ phiếu NVL tương ứng 22,67% vốn điều lệ, và bước vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị giá NVL ở mức 80.000 đồng/cổ phiếu, qua đó, khối tài sản của riêng cá nhân ông Bùi Thành Nhơn được định giá khoảng 11.657 tỷ đồng, giàu thứ 6 sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Lê Văn Quang (1958 – Mậu Tuất)


Vua tôm Lê Văn Quang

"Vua tôm" Lê Văn Quang

Được mệnh danh là “vua tôm”, ông Lê Văn Quang xuất thân là kỹ sư nuôi tôm trong một doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trước những cơ chế còn nhiều ràng buộc, năm 1988, ông đã tự lập đại lý mua tôm rồi mở Xí nghiệp Chế biến Cung ứng hàng xuất khẩu Thuỷ hải sản Minh Phú vào năm 1992 với số vốn khởi điểm 120 triệu đồng.

Từ việc thu mua, chế biến thuỷ hải sản cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh, cơ sở của ông Quang đã không ngừng mở rộng kinh doanh. Đến năm 2000 thì vốn điều lệ đã lên tới 79,6 tỷ đồng, tốc độ tăng vốn thuộc hàng kỷ lục thời bấy giờ. Hiện tại, vốn điều lệ của Minh Phú đã ở mức 700 tỷ đồng,được đánh giá là tập đoàn thuỷ sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Vào tháng 4/2015, khi mã cổ phiếu MPC của Minh Phú huỷ niêm yết thì vợ chồng ông Lê Văn Quang cũng rút khỏi danh sách người giàu trên sàn chứng khoán, tuy nhiên, ông Quang vẫn đang tiếp thục theo đuổi mục tiêu đưa “con tôm Việt Nam xuất hiện trên bàn ăn của mọi quốc gia”.

Bà Thái Hương (1958 – Mậu Tuất)


Bà Thái Hương

Bà Thái Hương

Cũng như ông Lê Văn Quang, bà Thái Hương vốn là “người Nhà nước”. Năm 1990, khi đang làm cán bộ vật tư, bà Hương quyết định nghỉ việc và ra làm riêng để từ đó dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và sản xuất sữa.

Tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch, bà được mệnh danh là “người đàn bà sữa” quyền lực của Việt Nam. Năm 2008, dự án TH True milk khởi động và chỉ hai năm sau đó đã tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam.

Hiện bà là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vì tầm vóc Việt, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà cho biết sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH sau 10 năm gắn bó để điều hành BacA Bank trên cương vị Tổng giám đốc ngân hàng này.

Bà Thái Hương liên tiếp được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016; Top 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 và Top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.

Tuy nhiên, bà từng chia sẻ trên báo chí rằng: “Tôi không muốn người ta gọi mình là người phụ nữ quyền lực. Tôi chỉ muốn là một người phụ nữ của gia đình, nhưng số mệnh buộc tôi phải trở thành một doanh nhân mạnh mẽ”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (1970 – Canh Tuất)


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Cho biết không có hứng thú “làm chuyện cò con”, xưa nay bà Nguyễn Thị Phương Thảo chưa từng làm việc nhỏ. Khi các công ty người ta chung nhau một container, thì bà phải làm một lúc cả trăm container. Hoặc nếu chở hàng bằng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tàu thì bà dùng đến cả đoàn tàu.

Với tư duy đó, ngay từ khi mới chỉ 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ bán máy fax và cao su tự nhiên.

Hiện bà là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Sovico Holdings, đồng thời là CEO hãng hàng không VietJet Air. Bà được Forbes công nhận là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và năm ngoái cũng lọt top phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí này.

“Tôi chưa bao giờ ngồi đếm xem mình có bao nhiêu tiền” – bà Thảo tuyên bố như vậy. Song theo thống kê của Forbes, hiện tại bà đã có trong tay 3,4 tỷ USD tài sản ròng, chủ yếu đến từ việc sở hữu cổ phiếu VJC của Vietjet Air.

Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên (1970 – Canh Tuất)


Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên

Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên

Bà Thuỷ Tiên từng là nữ diễn viên vang bóng một thời của thập niên 90 trong phim “Vị đắng tình yêu” – bộ phim đoạt giải Bông sen Vàng của liên hoan phim Việt Nam 1993. Tuy nhiên, sau đó, bà bất ngờ từ bỏ màn ảnh để trở thành một tiếp viên hàng không, cơ duyên giúp bà gặp ông Jonathan Hạnh Nguyễn, người chồng của bà hiện nay.

Bà tham gia kinh doanh cùng chồng với việc điều hành hàng loạt siêu thị rồi nhận quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD.

Ngoài cương vị Tổng giám đốc IPP, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên cũng được bầu làm Thành viên HĐQT SASCO sau khi ông Hạnh Nguyễn “thâu tóm” công ty này.

Ông Hồ Hùng Anh (1970 – Canh Tuất)


Ông Hồ Hùng Anh

Ông Hồ Hùng Anh

Ông Hồ Hùng Anh là một doanh nhân từng có thời gian tu nghiệp tại Đông Âu, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Đại học Bách Khoa Kiev Liên Bang Nga.

Trước khi gia nhập Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) năm 2004, ông Hồ Hùng Anh đã có kinh nghiệm quản trị, điều hành tại Công ty TNHH Quốc tế Sammex, Tập đoàn Ma San.

Hiện tại, ông là Chủ tịch HĐQT Techcombank với sở hữu gần 12 triệu cổ phiếu tương ứng 1,34% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài ra, còn những doanh nhân tuổi Tuất nổi danh khác như ông Lê Đức Thọ (1970 – Tổng giám đốc VietinBank), ông Trần Anh Tuấn (1958 – người đang thay ông Trần Bắc Hà phụ trách BIDV), ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng giám đốc VPBank); ông Nguyễn Hữu Đặng (1970 – Tổng giám đốc HDBank)…

Bích Diệp

Doanh nhân tuổi Tuất lừng lẫy thương trường Việt Nam - 7