Nữ doanh nhân - điểm sáng trong lộ trình phục hồi nền kinh tế

(Dân trí) - Khi vai trò của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng trở nên rõ rệt, việc hỗ trợ, đầu tư và phát triển cộng đồng nữ doanh nhân sẽ là đòn bảy bứt phá cho Việt Nam phục hồi bền vững và toàn diện trong giai đoạn hậu Covid.

Nữ doanh nhân - điểm sáng trong lộ trình phục hồi nền kinh tế - 1

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam chia sẻ về vấn đề này.

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 rất hiệu quả với nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, tuy nhiên những ảnh hưởng về mặt kinh tế là không thể tránh khỏi. Theo bà, DN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm 95% tổng số DN tại Việt Nam, và được coi là xương sống của nền kinh tế, và rất nhiều trong số đó là các DN do phụ nữ làm chủ. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng để khai phá tăng trưởng kinh tế bằng cách nâng cao năng lực cho nữ doanh nhân tại đây. Theo Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE), Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cao nhất (27%) trong số các quốc gia Đông Nam Á. Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam đang giữ một vị trí ấn tượng, đứng thứ 20 trên thế giới về quyền sở hữu doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chúng tôi rất lạc quan về vai trò của các doanh nhân nữ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt khi phụ nữ Việt Nam có xu hướng tương đồng với các nam giới trong việc phát sinh các khoản vay vốn hoặc tiết kiệm tài chính để bắt đầu kinh doanh. Đây chính là động lực khiến chúng tôi đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cộng đồng nữ doanh nhân tại đây.

Thông qua hợp tác giữa Mastercard và Tổ chức CARE Quốc tế, cùng các công ty tài chính toàn diện Canal Circle và VPBank, chúng tôi muốn đem đến cho các nữ doanh nhân Việt Nam những công cụ và kiến thức có thể giúp họ hiện thực hóa mục tiêu thành công và bảo mật tài chính. Điều này không chỉ là giúp đỡ cá nhân từng phụ nữ, bởi khi phụ nữ thành công, họ sẽ đầu tư vào gia đình và cộng đồng, và hơn hết, chính họ sẽ là những người tạo ra cơ hội cho những người xung quanh. Nhất là tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ, các hoạt động ở cấp độ cơ sở thực sự sẽ có hiệu quả trong bước đầu của sự phục hồi kinh tế ở Việt Nam khi thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Chúng tôi tin rằng đầu tư cho cộng đồng nữ doanh nhân có thể thúc đẩy một sự tăng trưởng bền vững cho tất cả mọi người, ở mọi nơi.

Cụ thể, Mastercard sẽ đem đến những hỗ trợ gì cho cộng đồng phụ nữ làm kinh doanh tại Việt Nam?

Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quan trọng trong các ngành khác nhau, như mạng lưới ngân hàng và các cơ sở kinh doanh, các đối tác chuyên về an ninh mạng và các nhà cung cấp công nghệ thanh toán, đồng thời khai thác dữ liệu và thông tin thị trường rộng lớn của Mastercard để xây dựng và phát triển công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế năng động đang nổi lên từ thời kỳ biến động như Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang trong quá trình thiết lập một mạng lưới thanh toán và cơ sở hạ tầng có khả năng tương tác mạnh mẽ, cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể tiếp cận với khách hàng và các thị trường mới. Là một phần trong quan hệ đối tác của chúng tôi, Tổ chức CARE Quốc tế sẽ hợp tác với Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), VPBank và Canal Circle để xây dựng các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của các nữ doanh nhân và cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với vốn lưu động, các khoản tiết kiệm và bảo hiểm cho các doanh nghiệp muốn mở rộng. Chúng tôi còn làm việc chặt chẽ với các đối tác của mình để đảm bảo rằng các nữ doanh nhân có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực và có thể tìm thấy các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng kinh doanh cụ thể của họ.

Về hoạt động cụ thể của Mastercard, chúng tôi sẽ tập trung vào việc cung cấp quyền truy cập cho các dịch vụ và phân tích dữ liệu mang tầm thế giới, những công cụ có thể giúp tăng hiệu quả kinh doanh cũng như phát triển các mối quan hệ từ thiện bổ sung và đầu tư sớm vào giáo dục STEM cho các sinh viên nữ Việt Nam.

Việt Nam đã thực sự truyền cảm hứng cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, và chúng tôi muốn bảo vệ thành tích này. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ hợp tác với Tổ chức CARE Quốc tế và các bên liên quan khác để phát triển, đồng thời cố vấn một mạng lưới phụ nữ thành công trong kinh doanh. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân mới tại đây.

Xin cảm ơn bà.

Trường Thịnh