1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính

(Dân trí) - Cục Đầu tư nước ngoài nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy và cảnh báo nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần. Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Bộ Kế hoạch: Nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thâu tóm, thôn tính

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 1

Vốn Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt vốn mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt đang phổ biến, Bộ KH&ĐT cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thôn tính

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - cơ quan của Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam là 7,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam trong 5 tháng qua.

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy.

Theo đó, do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Đặc biệt, do sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương.

Đồng thời có sự gia tăng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.

Chính phủ ứng 97 triệu USD trả nợ thay dự án bột giấy “đắp chiếu”, giờ vẫn chưa hoàn được đồng nào

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 2

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được chính phủ tạm ứng để trả nợ, tuy nhiên dự án vẫn chưa được đấu giá thành công nên khoản tiền hoàn lại vẫn chưa được công bố, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết vào chiều 7/6.

Theo ông Hiển: “Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xử lý và hiện nay đang làm thủ tục phá sản bán đấu giá để thu hồi. Khoản tiền này nhằm hoàn lại một phần tiền tạm ứng của Chính phủ cho công ty để trả nợ, tuy nhiên số liệu chi tiết chưa được công bố”.

Trước đó, theo báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 của Chính phủ gửi Quốc hội, trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD.

Buộc dừng thu phí nếu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không sao lưu dữ liệu

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 3

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Theo Tổng cục Đường bộ, ngày 28/11/2018, đoàn kiểm tra của Tổng cục thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác.

Dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục đã có thông báo yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí.

Ngày 13/5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ) có văn bản báo cáo việc kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong đó nhấn mạnh Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.

Về việc này, Tổng cục Đường bộ báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu đơn vị này dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản nợ 4.069 tỷ đồng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 4

Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được khởi công vào tháng 9/2008 và hoàn thành tháng 12/2015

Thảo luận tại hội trường sáng 3/6 về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng, đoàn Hải Phòng đề cập tới việc trích 4.069/10.000 tỷ đồng vốn dự phòng cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Ông Tùng nói, tiền lãi phát sinh do các khoản hỗ trợ chưa được cấp đã lên đến trên 800 tỷ đồng. Ngoài ra, VIDIFI vẫn phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản chưa được cấp nên nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Đại biểu đoàn Hải Phòng cho biết, việc không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn (Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho VIDIFI vay lại) ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải nhiều phản hồi trái chiều từ các đại biểu Quốc hội khác trong phiên thảo luận.

"Sờ vào đâu, sai ở đó": Nhiều Bộ ngành không ủng hộ kiểm toán các dự án BOT từ đầu?

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 5

Một số dự án BOT bộc lộ những bất cập

Phát biểu tại Hội thảo "Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước" sáng 6/6, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhắc đến quá trình kiểm toán các dự án BOT .

"Khi đặt ra vấn đề này, nhiều bộ, ngành không ủng hộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thậm chí, có nhiều ý kiến phản đối nội dung trên. Tuy nhiên, sau kiểm toán 61 tại dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Đây là kết quả "để lại dấu ấn trong sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết, ông cảm thấy "buồn" vì tuy có hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ, hệ thống chính trị luật pháp nhưng Kiểm toán Nhà nước "sờ vào đâu, kiểm toán ở đâu, sai phạm ở đó".

Quỹ bình ổn xăng dầu: Có nên xóa để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"?

“Nóng” trong tuần: Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc thôn tính - 6

Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ BOG.

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.

Trong văn bản gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, quỹ bình ổn có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo.

Với cơ chế này, nếu người dân là những người trực tiếp đóng vào quỹ này có nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự lực I (Hà Nội) cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn này bởi nó không cần thiết.

“Nên để giá xăng xầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thế giới lên thì mình cũng lên, họ giảm mình cũng giảm. Các nước họ cũng đâu có cần quỹ bình ổn này đâu”, ông Tiu nói.

Mai Chi (tổng hợp)