1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nông nghiệp Việt: Khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng không biết bán ở đâu!

(Dân trí) - "Một nền nông nghiệp khi bán cho thương lái là chủ yếu, chúng ta quen với cách thức làm đó và cũng mang đi bán cho thương lái nước ngoài. Cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ", CEO Vinamit chia sẻ về bức tranh nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ thương lái.
Nông nghiệp Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ thương lái.

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 7/2017, đại diện một số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những chia sẻ về khó khăn trong quá trình hoạt động và phát triển.

Đầu tư manh mún, sản xuất ra không biết bán ở đâu

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc The Pan Group, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam từ trước đến nay vẫn có quy mô nhỏ lẻ, với khoảng 4.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Khoảng hơn 50% trong số đó có số vốn dưới 5 tỷ đồng.

"Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp rất manh mún, vì chưa có người đứng ra kiểm soát và làm đầu tàu trong chuỗi giá trị, tức là chưa có doanh nghiệp đủ lớn. Với cách làm này, không chỉ đảm bảo thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực này mà từ đây có thể giải quyết nhiều vấn đề khác như an toàn thực phẩm,…", ông Hải nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, bức tranh nông nghiệp cho thấy: sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu hết bởi vì từ trước tới nay chúng ta ngồi chờ vào thương lái.

"Một nền nông nghiệp khi bán cho thương lái là chủ yếu, chúng ta quen với cách thức làm đó và cũng mang đi bán cho thương lái nước ngoài. Cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ", ông Viên nói.

Theo ông Viên: "Để thay đổi thì phải quan tâm đầu tư vào thị trường. Đó là câu chuyện đòi hỏi về thị trường, tiền của. Nhưng bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư thị trường, mà đó mới chỉ là nói đầu tư trong nước. Còn đầu tư thị trường ở nước ngoài, chúng ta thấy đó, các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới họ đi tới từng nước để đầu tư, bỏ tiền hàng triệu đô, hàng tỷ đô. Đó là câu hỏi, là con đường để đầu tư phát triển".

Con đường thứ hai được ông Viên chỉ ra là con đường kết hợp vào thị trường, kết hợp vào những hệ thống đang có sẵn trên thế giới. Con đường tiếp theo là cần phải có nhà cung ứng cho một nhà trung gian để "họ bước thay anh đi vào thị trường, kết hợp với thị trường".

"Nếu không làm được điều ấy, vẫn giữ tâm lý ngồi nhà chờ thương lái thì chúng ta đi một con đường cực kỳ hẹp, con đường chỉ có thể bán được khi thế giới khan hiếm, thị trường không có khách mà chỉ có bạn có thì họ nhớ tới bạn, còn không họ sẽ quên bạn ngay. Và lý do chúng ta chưa bước vào được thị trường là do chưa giải được bài toán này", ông Viên nói.

Ngoài ra, CEO của Vinamit cũng cho rằng: "Doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tới nay vẫn chưa bùng nổ ở quy mô lớn là bởi vì chúng ta thấy rất rõ là cần một tổng sản lượng nguyên liệu lớn phải có chất lượng phù hợp với điều kiện thị trường, muốn bán được thì yếu tố sản phẩm phải hấp dẫn. Rõ ràng chúng ta chưa làm được vì tiểu nông và manh mún, chuyên phục vụ thương lái là chủ yếu, chứ không phục vụ thị trường đẳng cấp cao, chất lượng cao và đồng đều tốt".

"Tiền chỉ là một phạm vi nhỏ"

Nói về những khó khăn, ông Nguyễn Hoàng Anh, TGĐ Công ty Đầu tư Thủy sản miền Trung cho biết: "Trong bối cảnh nông nghiệp lạc hậu sang hiện đại, tiếp cận khoa học công nghệ là một vấn đề lớn, đồng thời kiến thức tiếp nhận và vận hành lại là một việc làm tương đối thách thức. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa được quy hoạch một cách rõ ràng, đâu đó nó vẫn còn manh mún nhỏ lẻ. Thêm vào đó, khó khăn trong điều hành quản lý vĩ mô của nhà nước và trong thực tiễn nông dân tương đối nhiều".

Ông Hoàng Anh cho rằng, Nhà nước phải nhanh chóng quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam để người dân, doanh nghiệp đều tiếp cận được với hướng sản xuất sạch, công nghệ cao. Khi đáp ứng tiêu chí, Nhà nước cũng cần có những chính sách để tiếp cận tiền vốn, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, phục vụ cho dự án.

"Thực chất đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực tương đối khó do phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu và thị trường vì nền nông nghiệp của chúng ta ra sản phẩm có giá trị chưa cao. Để hiệu quả, việc Chính phủ hỗ trợ về tiền bạc chỉ là 1 phạm vi nhỏ trong yếu tố đầu tư trong nông nghiệp, doanh nghiệp cần là đất đai, hạn điền phải đc mở ra, chính sách đầu tư là phải rõ rằng", ông Hoàng Anh nói.

CEO doanh nghiệp thuỷ sản này cũng cho rằng, khi đầu tư phải đảm bảo an toàn về mặt quản lý Nhà nước như chính sách ổn định, không phải đầu tư vào rồi thì chính sách lại thay đổi.

"Doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng nông dân thì manh mún. Để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, khi làm 1 dự án, đầu tư khoa học công nghệ vào làm giá thành giảm xuống. Doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ cho 10ha thì có thể thực hiện được, trong khi nông dân có 5000 m2 mà đầu tư 1 tỷ rất khó khăn. Do vậy muốn làm công nghệ cao là phải có quy hoạch hạn điền, quản lý quy hoạch, khuyến khích chính sách đầu tư như thế nào để họ thấy khi đầu tư vào là hiệu quả, đảm bảo môi trường an toàn, mang lại giá trị thị trường. Còn vốn với doanh nghiệp trong nông nghiệp không cần nhiều lắm. Họ cần những môi trường về sản xuất, thương mại", ông nói thêm.

Phương Dung