1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nghệ An:

Nông dân cay đắng vì ... cây ớt

(Dân trí) - Khi cánh đồng trồng ớt chín rực cũng là lúc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm “biệt vô âm tín”, người nông dân đành phải nuốt nước mắt đào hố chôn chính thành quả, mồ hôi, sức lao động của mình. Họ đành ngậm đắng, nuốt cay, xót xa … vì cây ớt.

Nông dân cay đắng vì ớt.

Giấc mơ đổi đời từ cây ớt cay cao sản

Năm 2014, huyện Anh Sơn, Nghệ An là đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh đưa cây ớt cay cao sản vào sản xuất trên 6 xã gồm: Tường Sơn, Hoa Sơn, Đức Sơn, Long Sơn, Hội Sơn và Vĩnh Sơn. Theo đề án, một công ty xuất khẩu nông lâm sản có địa chỉ ở tỉnh Thanh Hóa sẽ là đơn vị đứng ra ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người nông dân.

Trong năm đầu tiên thực hiện, công ty này đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân. Với một sào đất chuyển đổi sang trồng ớt cay cao sản, nếu đạt năng suất sẽ mang đến thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng (đã trừ hết chi phí), lợi nhuận này cao gấp 3 - 4 lần so với trồng các loại cây truyền thống.

Gia đình ông Minh không còn mặn mà với cây ớt nên đã đào hố chôn lấp như thế này.
Gia đình ông Minh không còn mặn mà với cây ớt nên đã đào hố chôn lấp như thế này.

Từ bước thành công ban đầu, từ năm 2015, cây ớt cay cao sản đã được đưa vào trồng đại trà tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Anh Sơn. Diện tích cũng được tăng lên hơn 30ha.

Trong năm này, phía công ty vẫn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân với giá 5.500 đồng/1kg. Rất nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Anh Sơn mong muốn được tham gia vào mô hình trồng ớt cay cao sản để có thể hiện thực hóa “giấc mơ đổi đời” nhờ cây ớt trên chính quê hương của mình.

Ông Minh xót xa cầm những cây ớt đang dính quả đem vứt bỏ.
Ông Minh xót xa cầm những cây ớt đang dính quả đem vứt bỏ.
Ớt chín đỏ, rụng khắp cánh đồng vì công ty đã bỏ không thu mua.
Ớt chín đỏ, rụng khắp cánh đồng vì công ty đã bỏ không thu mua.

Chỉ tính riêng tại xã Hoa Sơn, đã có 150 hộ gia đình “vất vả lắm” mới tham gia được vào mô hình trồng ớt cay cao sản. Bà Nguyễn Thị Mến (SN 1963, trú tại xóm 6, xã Hoa Sơn) chia sẻ: “Lúc đó được chọn là một trong số những hộ may mắn nằm trong chương trình trồng ớt cay cao sản gia đình vui lắm. Nhưng năm nay chúng tôi chỉ bán được một đợt thu hoạch cho công ty thôi. Còn sau đó thì không thấy đâu nữa, ớt trồng ra không bán được đành phải bỏ đi thôi, xót xa lắm”.

Cay đắng vì ớt

Cũng theo chia sẻ của bà Mến, trong đợt đầu tiên bà thu hoạch được 300 kg ớt tươi đã được công ty mua theo đúng cam kết. Tuy nhiên một tuần sau đó, ở đợt thu hoạch thứ 2 thì bà và các hộ dân tại đây không còn thấy công ty đến thu mua nữa.

Đợi mãi không thấy công ty đến, bà và các hộ dân khác đành phải nuốt nước mắt đào hố chôn chính mồ hôi, công sức, thành quả lao động của mình, bởi ớt đã thu hoạch không thể bán được, cho cũng không ai lấy.

Ớt chín đỏ, nông dân chỉ còn biết hái về phơi khô hoặc vứt đi (Ảnh: Thanh Đức).
Ớt chín đỏ, nông dân chỉ còn biết hái về phơi khô hoặc vứt đi (Ảnh: Thanh Đức).

Nhìn cánh đồng trồng gần 3 sào ớt cay cao sản của gia đình đang chín rực, ông Minh chua xót: “Bây giờ phải bỏ đi thôi, nghe đâu công ty họ nói không có đầu ra cho sản phẩm nên không thu mua nữa. Vậy là làm không công mấy tháng qua, lại còn phải chịu lỗ tiền công, tiền giống, tiền phân. Đúng là ớt cay … cay quá”.

Với 3 sào đất trồng ớt cay cao sản, gia đình ông Minh đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng tiền giống, phân bón và công chăm sóc. Nhưng bây giờ đến thời điểm thu hoạch quả thì phía công ty bao tiêu sản phẩm lại “biệt vô âm tín”, chờ mãi không thấy thông tin gì, không thể bán được sản phẩm, ông đành nhổ bỏ những cây ớt trĩu quả để trở về với cây trồng truyền thống là cây ngô.

Một hộ dân không còn quan trọng với sản phẩm mình trồng ra nên đành vứt bỏ như thế này. (Ảnh: Thanh Đức)
Một hộ dân không còn quan trọng với sản phẩm mình trồng ra nên đành vứt bỏ như thế này. (Ảnh: Thanh Đức)

Không chỉ riêng ở xã Hoa Sơn mà người trồng ớt trên địa bàn nhiều xã khác của huyện Anh Sơn đều lâm vào tình cảnh tương tự khiến người dân lao đao.

Trao đổi với báo chí, chủ tịch UBND xã Hoa Sơn - ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Sau khi được huyện đồng ý, phía xã đã liên hệ bán ớt cho Công ty CPNN La Giang ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công ty này yêu cầu phải cung ứng đủ 100 tấn mới ký hợp đồng, đến nay chúng tôi mới cung ứng được 20 tấn. Đồng thời công ty yêu cầu người dân phải trả tiền bảo quản 2 tháng do không đạt sản lượng bốc hàng; bên cạnh đó khi nào cung ứng đủ 100 tấn hàng thì công ty mới trả tiền cho người dân.

Một số hộ khác đem phơi khô quả ớt chỉ biết rằng chính họ đang cay đắng vì ớt (Ảnh: Sỹ Đức).
Một số hộ khác đem phơi khô quả ớt chỉ biết rằng chính họ đang cay đắng vì ớt (Ảnh: Sỹ Đức).

“Việc doanh nghiệp dừng mua ớt đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Huyện cũng đã thành lập đoàn công tác đến trực tiếp làm việc với công ty, nhưng thời điểm hiện tại quá khó khăn nên phía công ty vẫn chưa thể có biện pháp khắc phục. Đây là một bài học đắt giá cho chúng tôi trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết.

Không còn mặn mà với cây ớt cao sản, nông dân Anh Sơn đã phá bỏ và đào hố chôn.
Không còn mặn mà với cây ớt cao sản, nông dân Anh Sơn đã phá bỏ và đào hố chôn.

Để có thu hoạch, mỗi hộ nông dân phải chi phí cho 1 sào ớt khoảng 2,8 triệu đồng. Tuy nhiên, với thực trạng này, nhiều hộ nông dân đã không thể kiên nhẫn đành đổ bỏ thành quả lao động của mình…

Hiện nay, hầu hết các hộ dân tham gia trồng ớt cay ở Anh Sơn đã phải phá bỏ để canh tác ngô. Và có lẽ câu chuyện chuyển đổi trồng ớt cao sản sẽ khó lặp lại ở huyện miền núi này.

Nguyễn Duy

Nông dân cay đắng vì ... cây ớt - 8