1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phú Yên:

Nông dân canh cánh lo mía "cháy" vì nhà máy chậm thu mua

(Dân trí) - Hầu hết diện tích mía đã quá thời gian thu hoạch 1 đến 2 tháng, nhiều diện tích mía bị cháy, mía khô, năng suất giảm khiến nông dân thiệt hại nặng nề. Đó là tình trạng chung đang diễn ra tại các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa (tỉnh Phú Yên).

Phú Yên: Nhà máy đường chậm thu mua mía, nông dân thiệt hại nặng

Theo phản ánh của người trồng mía tại huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên), do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích mía bị cháy khô, có đám mía bị cháy rụi. Chỉ riêng địa bàn huyện Sơn Hòa, địa phương trồng mía nhiều nhất tỉnh với 13.000 ha, thì có trên 160 ha mía bị cháy.

Theo tính toán, mía cháy sẽ mất 30-40% giá trị so với bán mía tươi, do nhà máy trừ hao hụt tạp chất. Chưa kể mất sản lượng vì mía bị khô, chi phí cho công đốn và vận chuyển mía từ ruộng ra xe tải cũng tăng. Bình quân mỗi ha mía cháy, người dân thiệt hại gần 30 triệu đồng.

Thông kế chưa đầy đủ, vụ mía năm nay, tỉnh Phú Yên thiệt hại ít nhất 4 tỷ đồng do mía bị cháy. Thêm vào đó, hiện nay đến nay, quá thời gian thu hoạch mía nhưng nhà máy đường KCP Sơn Hòa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) chậm thu. Trong khi thời tiết tiếp tục nắng nóng, mía nằm lâu trên ruộng càng bị khô, năng suất giảm đáng kể khiến nông dân trồng mía lo lắng.

Nông dân huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) đang thu hoạch mía vì sợ cháy dù chưa có lệnh nhà máy về thu mua
Nông dân huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) đang thu hoạch mía vì sợ cháy dù chưa có lệnh nhà máy về thu mua

Ghi nhận của PV Dân trí tại huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) giữa trưa nắng chang chang, hàng chục nông dân mướt mồ hô tranh thủ thu hoạch chặt mía, bó đưa lên xe tải vì sợ mía cháy, mía khô ảnh hưởng đến năng suất.

Nông dân Nguyễn Trọng Thành (thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) trồng trên 4ha đăng ký bao tiêu sản phẩm cho nhà máy đường KCP Sơn Hòa. Thế nhưng đã quá kỳ hạn cả hơn 1 tháng, nhưng nhà máy đường chưa chịu thu mua hết.

“Thường thời gian cây mía thu hoạch đạt trữ lượng đường nhiều nhất là đúng 1 năm. Nếu thu hoạch không kịp, mía càng già, khô ngọn, trữ đường giảm nên năng suất cũng giảm theo. Chưa kể nắng nóng kéo dài, nếu bị cháy thì coi như trắng tay. Đúng ra tháng 2 thu hoạch xong nhưng đến nay tháng 4 rồi mà tui (tôi - PV) mới thu hoạch được hơn nửa diện tích, đạt khoảng hơn 100 tấn mía. Còn gần 100 tấn đang nằm trên ruộng nên tui lo ngay ngáy”, ông Thành chia sẻ

Ông Thanh thông tin thêm, tôi đăng ký bao tiêu sản phẩm với nhà máy đường KCP Sơn Hòa chứ không bán cho các nhà máy khác ở Gia Lai, Bình Định mặc dù lãi cao hơn. Nhưng bán mía cho KCP, nông dân còn phải trả tiền vận chuyển 30.000 đồng/tấn, bao tiền ăn cho tài xế, lại còn bị trừ tạp chất còn nếu bán cho các nhà máy đường khác thì không bị trừ tạp chất, bán bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Tuy nhiên, hiện KCP chậm thu mua, mía bị khô nên một số nông dân phá vỡ hợp đồng, chặt mía bán cho các tỉnh Gia Lai, Bình Định nhưng đều không “thoát” được các trạm cảnh sát giao thông.

“Nếu chở mía bán cho KCP Sơn Hòa thì qua, còn chở mía đi lên Gia Lai hay về Bình Định đều bị bắt, vì thực tế xe tải chở mía xe nào cũng phải chở quá tải mới kiếm chút lãi bù tiền xăng dầu. Nhưng khi bị bắt xử phạt thì tiền phạt còn quá chết, tài xế dại gì chở. Cuối cùng người trồng mía vẫn là người chịu thiệt thòi nhất”, ông Thành than thở.


Nhà máy chậm thu mua, nhiều diện tích mía cháy khô ảnh hưởng đến năng suất

Nhà máy chậm thu mua, nhiều diện tích mía cháy khô ảnh hưởng đến năng suất

Tại huyện giáp ranh Phú Hòa (Phú Yên) cũng xảy ra tình trạng do nhà máy đường KCP chậm thu mua mía, nhiều diện tích mía có nguy cơ chết cháy, năng suất ảnh hưởng. Ông Nguyễn Sỹ (41 tuổi, trú ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) với 1 ha mía đăng ký bao tiêu với nhà máy đường KCP Sơn Hòa cho biết: Bình quân mỗi vụ tôi thu khoảng 60 tấn mía, thì năm nay phần vì nắng hạn kéo dài, phần vì nhà máy được thu mua chậm đến hơn 1 tháng. Mía nằm lâu trên ruộng, trong khi thời tiết nắng nóng mía khô, trữ lượng đường giảm nên vụ này chỉ đạt khoảng 40 tấn.

Ông Sỹ nhẫm tính, với giá mía hiện tại hơn 900 ngàn đồng/tấn, anh mất khoảng 20 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề trên ông Đào Duy Linh - Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, toàn huyện có 13.000 ha vẫn còn hơn 7.500 ha mía chưa thu hoạch và phần lớn trong số này đã khô. Trong khi đó, công suất của nhà máy đường KCP hiện chỉ có giới hạn nên không thể thu mua hết cho nông dân ngay lập tức. Vì thế trong những ngày này, người dân ở đây vẫn tiếp tục canh cánh nỗ lo mía cháy.

Hơn 12 trưa, giữa cái nắng chang chang ông Thành cùng các nông dân tranh thủ bốc mía lên xe để chở đến nhà máy
Hơn 12 trưa, giữa cái nắng chang chang ông Thành cùng các nông dân tranh thủ bốc mía lên xe để chở đến nhà máy
Các xe tải chở mía đang chờ trước cổng các nhà máy đường để chờ cân
Các xe tải chở mía đang chờ trước cổng các nhà máy đường để chờ cân

“Trong 13.000 ha chỉ có 6% diện tích chủ động được nước tưới, trong khi năm nay nắng hạn kéo dài cộng với mía đến thời điểm thu hoạch nhưng nhà máy chậm thu mua nên càng nằm lâu trên ruộng, mía càng khô. Nếu xảy ra cháy thì cháy rất nhanh. Một đám mía bị cháy sẽ cháy lan sang các đám mía khác. Cứ thế không phải một hộ mà nhiều hộ cùng thiệt hại”, ông Linh nói.

Doãn Công

Nông dân canh cánh lo mía "cháy" vì nhà máy chậm thu mua - 5