1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nới tỷ giá thêm 1%, gánh nặng nợ công tăng thêm 10.000 tỷ đồng!

(Dân trí) - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu tỷ giá tăng thêm 1% thì dư nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng đặt giữa bối cảnh phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD. Trong khi đó, cũng chỉ làm tăng xuất khẩu hơn 0,27%.

Nới tỷ giá thêm 1%, gánh nặng nợ công tăng thêm 10.000 tỷ đồng!
Việc nới tỷ giá USD/VND thời điểm hiện tại được lo ngại sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao và ảnh hưởng đến lạm phát, niềm tin người dân vào VND

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Nới tỷ giá 1%, nợ nước ngoài tăng thêm 10.000 tỷ đồng

* Kinh doanh khách sạn kiểu ông Thản

* Hàng Trung Quốc kém an toàn nhất châu Âu

* “Bóc mẽ” trò gian lận trắng trợn tại một cây xăng ở Bình Dương

* ANZ: Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy!

* Ứng phó với thực phẩm "bẩn": Để là người tiêu dùng thông thái

Thông tin tại buổi giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 diễn ra sáng nay (ngày 25/3/2015), ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ phó Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời điểm này không nên đặt vấn đề tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Vừa qua đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Tính đến ngày 19/3/2015, USD tăng 12% so với Euro (EUR), và tăng giá so với một số đồng tiền khác trong đó có một số đồng tiền của các nước châu Á. Trước tình hình này, một số nước đã chủ động phá giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu.

Với việc VND neo giá theo USD và sau đợt nới tỷ giá 1% hồi tháng 1/2015 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa phát ra tín hiệu nào điều chỉnh tiếp. Điều này vô hình trung khiến giá trị VND so với nhiều đồng tiền khác cũng tăng lên. Một số chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề cho rằng NHNN nên tăng biên độ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã tuyên bố, cả năm nay chỉ nới tỷ giá trong biên độ 2%. Việt Nam hiện nay vẫn xuất siêu chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên theo ông Quốc Anh, việc phá giá tiền Đồng sẽ chưa hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu. 

Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Kinh tế dịch vụ, “Nếu tăng tỷ giá 1% thì chỉ làm xuất khẩu tăng hơn 0,27%, nhưng chiều ngược lại, giá nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến tình hình trong nước: tăng giá hàng hóa và tác động lên lạm phát. Bên cạnh đó, động thái này cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin người dân vào đồng nội tệ”

Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Anh chỉ ra, nếu tỷ giá tăng thêm 1% thì dư nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng đặt giữa bối cảnh phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD. Do đó, thời điểm này không nên đặt vấn đề tăng tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các yếu tố thị trường hiện tại không hỗ trợ cho việc điều chỉnh tỷ giá: cán cân vãng lai vẫn thặng dư, nhu cầu nhập khẩu chưa đột biến mặc dù Việt Nam đang đi vào tình trạng nhập siêu trở lại, thêm vào đó dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương vẫn đang trong khoảng 30 tỷ-40 tỷ USD…

Cũng theo ông Hiếu, trên thực tế, tỷ trọng USD được sử dụng trong mậu dịch của Việt Nam vẫn chủ yếu là USD chứ không phải các ngoại tệ khác, ngay cả EUR, Yên Nhật, Nhân dân tệ... Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi xuất hàng sang các nước vẫn chủ yếu là thanh toán bằng USD. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá chưa hẳn đã hỗ trợ được đáng kể cho xuất khẩu, trong khi đó sẽ khiến hàng nhập khẩu cũng như hàng hóa sản xuất trong nước có sử dụng nguyên liệu nhập trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng tới lạm phát và niềm tin dân chúng.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”