1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nỗi lo từ những “con tàu ma” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Đội tàu vận tải không có việc vật vờ bên các cảng biển Trung Quốc là bằng chứng rõ nét cho sự sa sút kinh tế nước này. Chưa kể, các con tàu này đang lần ra nước ngoài tìm việc, gây sức ép cho ngành vận tải biển ở các quốc gia khác.

Hãng tin

Hãng tin Reuters cho biết, lĩnh vực vận tải biển đường biển nội địa của Trung Quốc đang chịu tác động xấu từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại đường biển nội địa ở nước này. Trước đây, trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh, các con tàu này lúc nào cũng ngược xuôi với các chuyến hàng. Nhưng nay, khi nhu cầu thị trường trong nước suy giảm đối với mọi mặt hàng, các con tàu bỗng lâm cảnh thất nghiệp.

“Ngày càng có thêm nhiều con tàu nằm chết một chỗ ở các cảng biển Trung Quốc, tình hình làm ăn giờ thật khó”, đại diện của một công ty vận tải biển hàng đầu ở Trung Quốc nói.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã trở thành một trong những mối lo ngại chính của thị trường toàn cầu nói chung và thị trường hàng hóa cơ bản nói riêng. Trung Quốc là nước sản xuất than lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước nhập khẩu than và quặng thép lớn nhất, có lượng hàng hóa được vận tải lớn nhất. Bất kỳ sự thay đổi nào trong nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và vận tải của Trung Quốc cũng đều có tác động không nhỏ thị trường toàn cầu.

Hoạt động thương mại đường biển nội địa ở Trung Quốc đã tồn tại nhiều thập kỷ ở quy mô nhỏ, nhưng bắt đầu phát triển bùng nổ khi nhu cầu điện năng ở miền Nam của nước nay tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, đòi hỏi phải vận tải một lượng than khổng lồ từ các mỏ ở miền Bắc.

Trong thời gian 2006-2008, lượng than được vận tải bằng đường biển nội địa của Trung Quốc đã tăng 88%, lên mức 639 triệu tấn. Hãng môi giới vận tải Clarksons ước tính, khối lượng thương mại đường biển nội địa các mặt hàng than, thép, ngũ cốc và phân bón ở nước này đã lên tới mức trên 1 tỷ tấn mỗi năm. Tuy nhiên, theo số liệu của công ty chứng khoán Jefferies, trong 4 tháng đầu năm nay, khối lượng than vận chuyển nội địa ở Trung Quốc bằng đường biển đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7% trong năm nay, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009. Nhu cầu điện năng và sắt thép suy giảm khiến than nhập khẩu đang dồn ứ lại ở các cảng biển của nước này. “Lượng quặng sắt và than tồn kho ở các cảng biển Trung Quốc hiện ở mức rất cao”, ông Moses Ma, nhà phân tích thuộc công ty ICBC International ở Hồng Kông, cho biết.

Một phần vì lý do này, giá than thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, dẫn tới việc nhiều nhà nhập khẩu than Trung Quốc đàm phán lại hợp đồng với đối tác nước ngoài. Chưa kể, các nhà máy điện và thương nhân than ở Trung Quốc cũng rút khỏi các thỏa thuận cung cấp than trong nước, khiến các đội tàu vận tải càng ế việc. “Do lượng than tồn kho cao, khoảng 20% lượng than trong các hợp đồng chúng tôi bán nội địa cho các nhà máy điện đã bị hoãn hoặc hủy giao hàng trong mấy tháng gần đây”, một nhà cung cấp than cho biết.

Để có việc làm, nhiều con tàu chở hàng của Trung Quốc lênh đênh ra nước ngoài, làm cho tình hình của ngành vận tải biển ở những nơi tàu Trung Quốc đến vốn đã bi đát lại trở nên đáng buồn hơn, điển hình là ở Indonesia. “Những con tàu Trung Quốc đã đến, ập vào thị trường vận tải than ở Indonesia, đưa ra mức giá vận tải thấp hơn bất kỳ ai”, một nhà môi giới vận tải ở công ty RS Platou cho hay.

Sự xuất hiện của những con tàu vận tải Trung Quốc ở Indonesia, nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, diễn ra vào thời điểm có lẽ là tồi tệ chưa từng có đối với ngành vận tải đường biển ở nước này. Hiện nay, các con tàu vận tải ở Indonesia đang phải trông chờ vào việc vận tải than để bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu quặng nickel. Xuất khẩu quặng nickel của Indonesia đã giảm mạnh sau khi nước này đánh thuế 20% theo chiến lược hạn chế xuất khẩu hàng hóa thô. Nếu Indonesia tính chuyện hạn chế xuất khẩu than, thì các con tàu Trung Quốc có thể sẽ phải lang thang đi tìm nơi làm ăn mới.

Do kinh tế sa sút, ngành vận tải biển toàn cầu đã chịu ảnh hưởng bất lợi từ khối lượng vận chuyển hàng hóa suy giảm trong mấy năm gần đây. Sự xuất hiện của các con tàu Trung Quốc có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn giữa lúc đã có những vụ phá sản và bắt giữ tàu để trừ nợ ở nhiều quốc gia.

Ảnh hưởng từ sự xuất hiện của những con tàu vận tải Trung Quốc ra nước ngoài kiếm việc có thể rất lớn, vì đội tàu của nước này đã trở nên hiện đại trong mấy năm gần đây nhờ sắm được tàu mới.Tổng số tàu vận tải đường biển nội địa của Trung Quốc ước tính vào khoảng 1.500-2.000 con tàu với tải trọng từ 10.000-50.000 tấn. 2/3 số tàu này đã cũ, nhưng số 1/3 còn lại là tàu mới, lớn và tiết kiệm nhiên liệu - chính là những con tàu gây lo ngại đối với thị trường vận tải biển quốc tế vào lúc này.

Phương Anh
Theo Reuters