1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thừa Thiên Huế:

Nở rộ nhiều cơ sở thu mua cau non bán sang Trung Quốc

(Dân trí) - Từ đầu tháng 9 đến nay, trên tuyến đường Quốc lộ 1A từ thị xã Hương Trà đến khu vực chợ An Lỗ, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất hiện nhiều cơ sở thu mua tập trung cau non với số lượng lớn để bán sang Trung Quốc.

Ồ ạt tận thu cau non

Trên đoạn Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị xã Hương Trà gần đây xuất hiện nhiều cơ sở thu mua cau non. Dừng chân tại một cơ sở do ông H. người Hải Phòng làm chủ, ông H. cho biết, công việc thu mua cau non tại địa phương đã được tiến hành từ nhiều năm vào độ giữa cuối tháng 9. Tuy nhiên năm nay phía các thương lái Trung Quốc yêu cầu cau non với số lượng lớn nên cơ sở phải bắt đầu thu mua từ rất sớm vào đầu tháng 9 để kịp bán hàng sang Trung Quốc.

Cô La Thị Hương, người làm công tại cơ sở trên cho biết: ”Không chỉ thu mua trực tiếp từ người dân đến bán, cơ sở còn chủ động cử người đến tận nơi có nguồn cau non để trả giá. Hiện giá cau non những ngày này dao động từ 10 ngàn đồng/kg, có hôm tăng vọt hơn 15 nghìn /kg. Mỗi ngày có hàng tấn cau được nhập về xưởng”.

Cơ sở thu mua cau non ông H. với nhiều người làm công
Cơ sở thu mua cau non ông H. với nhiều người làm công
Những quả cau già đều bị loại bỏ
Những quả cau già đều bị loại bỏ

Theo ghi nhận của phóng viên, trong xưởng có khoảng 10 người làm với nhiệm vụ vặt quả non từ mỗi buồng cau và loại bỏ quả già. Cau non sau khi vặt sẽ được đem đi luộc trước khi đưa vào lò sấy khô bằng than tổ ong. Cau non được sấy trong vòng 1 tuần bởi những người làm công (chủ yếu là thanh niên – PV) cũng đến từ Hải Phòng.

Từ sau vụ gặt Hè – Thu vào đầu cuối tháng 8, người dân làm nông khá rỗi, vả lại cau là cây trồng sẵn đang đến mùa được giá nên hầu hết người dân thị xã Hương Trà đều phấn khởi thu hoạch cau non đem bán.

Ông Phan Văn Mến (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) cho biết: “Cau non không bán thì cũng để chết héo trên cây, nay lại được giá nên tôi cùng bà con đều thu hoạch đem bán. Trung bình mỗi cây cau chúng tôi thu hoạch được gần 2 triệu đồng”.

Mỗi ngày có hàng tấn cau non được nhập đến cơ sở để bán sang Trung Quốc
Mỗi ngày có hàng tấn cau non được nhập đến cơ sở để bán sang Trung Quốc
Có khoảng 13 lò sấy cau trong xưởng được điều hành bởi những thanh niên người Hải Phòng
Có khoảng 13 lò sấy cau trong xưởng được điều hành bởi những thanh niên người Hải Phòng

Cảnh giác với “bẫy kinh tế”

Một hộ dân có cau non đem bán chia sẻ: “Cách đây 2 năm, các thương lai Trung Quốc đột ngột dừng mua cau khiến các hộ dân chúng tôi đành phải để cau khô héo trên cây. Với chúng tôi thì thiệt hại không đáng kể nhưng với những chủ cơ sở thu mua thì phải đến sạt nghiệp vì cau nhập về không bán được”.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều vụ thương lái Trung Quốc đổ xô săn tìm những “sản vật” lạ như: Đỉa, Ốc bưu vàng, lá cây khô, móng trâu... rồi sau đó biến mất biệt tăm để lại nhiều thiệt hại kinh tế cho bà con nông dân.

Người dân đang chở cau đi bán
Người dân đang chở cau đi bán

Với mánh khóe nâng giá mua để triệt hạ nguồn cung rồi sau đó độc quyền đẩy giá bán, chỉ cần 2 thương lái Trung Quốc kết hợp lại là có thể khiến sản nghiệp người dân điêu đứng. Việc thu mua cau non sấy khô để bán sang Trung Quốc với lí do làm kẹo và để dùng trong những ngày lạnh (!?) cũng dấy lên nhiều mối nghi đòi hỏi người dân phải tỉnh táo cảnh giác.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Hóa, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, phường đã nhận được phản ánh về việc mua cau non. Tuy nhiên, đây là tài sản của người dân nên phường không thể ngăn cản người dân bán được. “Đó là hàng hóa, cây họ trồng nên phường không thể nói họ phải bán cho ai được” – ông Hóa trao đổi.

Nhiều cây cau trong địa phận thị xã Hương Trà đã sạch bóng cau non
Nhiều cây cau trong địa phận thị xã Hương Trà đã sạch bóng cau non

Thành Nhân – Phạm Công – Đại Dương

Nở rộ nhiều cơ sở thu mua cau non bán sang Trung Quốc - 7