1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nợ nước ngoài của quốc gia giảm mạnh, ước vẫn trên 2,8 triệu tỷ đồng

(Dân trí) - Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến giảm xuống còn khoảng 45,8% GDP đến hết năm 2019 sẽ rơi vào khoảng hơn 2,8 triệu tỷ đồng.

Nợ nước ngoài của quốc gia giảm mạnh, ước vẫn trên 2,8 triệu tỷ đồng - 1

Báo cáo về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gửi tới các Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV cho thấy, nợ nước ngoài của quốc gia đang có xu hướng giảm.

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả.

Trong năm 2019, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến giảm xuống còn khoảng 45,8% (so với mức 46,0% của năm 2018).

GDP kế hoạch là 6.170 nghìn tỷ đồng; GDP ước thực hiện năm 2019 là 6.156 nghìn tỷ đồng căn cứ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2020-2022 của Ban cán sự Đảng Chính phủ gửi Văn phòng Trung ương Đảng để trình Bộ Chính trị.

Như vậy, với mức GDP như trên, tính toán cho thấy, nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2019 sẽ rơi vào khoảng 2.825 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, về nợ nước ngoài của Chính phủ, điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ; giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến.

Theo đó, nợ nước ngoài của Chính phủ đến 31/12/2019 khoảng 18,5% GDP, giảm từ mức 19,3% GDP vào cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, Chính phủ không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm, một số khoản vay thực hiện trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ Chính phủ bảo lãnh nước ngoài. Theo đó, dư nợ đến 31/12/2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD), trên cơ sở tổng hợp thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết tháng 8/2019, xác nhận có 1.380 khoản vay nước ngoài và xác nhận hạn mức 5 khoản phát hành trái phiếu quốc tế với tổng kim ngạch vay khoảng 8 tỷ USD và tổng khối lượng phát hành dự kiến là 1,65 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức rút vốn ròng, vay trả nợ nước ngoài trung và dài hạn của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh riêng năm 2019 khoảng 5,5-6,0 tỷ USD, nằm trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tối đa là 6,08 tỷ USD.

Trong khi đó, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép (10-12%/năm). Theo đó, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và TCTD đến cuối năm 2019 khoảng 23,6% GDP (so với mức 22,3% GDP vào cuối năm 2018).

Như vậy, trường hợp vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả thực hiện trong phạm vi hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho năm 2019.  Chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2019 so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP).

Trên cơ sở dự báo tình hình thực hiện vay, trả nợ và các hạn mức nợ như trên, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 như sau: nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.

"Như vậy, đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018", Chính phủ đánh giá.

Phương Dung