1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

Những dịch vụ “hốt bạc” ở phố đi bộ Sài Gòn

(Dân trí) - Mặt bằng cho thuê, các điểm bán nước giải khát, dịch vụ tiện ích…đang “hốt bạc” tại phố đi bộ ở trung tâm Sài Gòn.

Phố đi bộ đang là nơi thu hút hàng ngàn người đổ về đây mỗi đêm, nhiều dịch vụ nhờ đó mà hốt bạc
Phố đi bộ đang là nơi thu hút hàng ngàn người đổ về đây mỗi đêm, nhiều dịch vụ nhờ đó mà "hốt bạc"

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Hơn 1 tháng đi vào hoạt động, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đang trở thành điểm đến của hàng triệu người dân thành phố và các tỉnh thành lân cận. Nắm bắt được cơ hội kiếm lời, nhiều cá nhân, các dịch vụ cho thuê mặt bằng, cao ốc, văn phòng ở đây đã đẩy giá tăng từ 10 - 20%. Thậm chí, nhiều điểm cho thuê mặt bằng sẵn sàng cắt hợp đồng với khách “mối” đã thuê lâu năm để tìm đối tác mới cho thuê với giá cao hơn.

Bà Thu (chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Huệ) chia sẻ: “Trước đây, mặt bằng tôi thuê với diện hơn 100m2 có giá khoảng 7.000 USD/tháng, kể từ khi phố đi bộ hoạt động, chủ nhà bất ngờ thông báo giá cho thuê mặt bằng sẽ tăng lên 8.500 USD/tháng. Lúc họ rào chắn để thi công thì không ai giảm giá cho mình, mới đông khách hơn 1 tháng nay thì đã tăng giá. Mức giá họ đưa ra quá cao, tôi không thể kham nổi. Chờ tháng tới hết hạn hợp đồng, tôi sẽ tìm nơi buôn bán mới”.

Ghi nhận thực tế, toàn bộ diện tích mặt tiền đường Nguyễn Huệ hầu như đã có chủ với các chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện ích. Trong đó, quán cà phê, các điểm bán đồ ăn vặt mọc lên khá nhiều.

Không chỉ các mặt bằng nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ mới “đội giá”, các căn hộ chung cư có vị trí quan sát được phố đi bộ cũng tăng giá đáng kể. Tại chung cư 42 Nguyễn Huệ có hơn 20 cửa hàng, nhiều quán cà phê chỉ mới mở được vài ngày. Giá thuê các căn chung cư tại đây dao động 10-35 triệu đồng mỗi tháng. Những căn có ban công nhìn ra đường đi bộ giá cao hơn gấp 2-3 lần căn bình thường.

Phố đi bộ bắt đầu nhộn nhịp từ 18h mỗi ngày
Phố đi bộ bắt đầu nhộn nhịp từ 18h mỗi ngày

Trong báo cáo tháng 4, Công ty Bất động sản CBRE Việt Nam cũng cho thấy, sự thay đổi diện mạo của TP HCM với quảng trường đi bộ khiến khu trung tâm Sài Gòn hấp dẫn hơn. Không chỉ các công ty trong nước, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng quan tâm đến mặt bằng khu vực này. CBRE cũng có số liệu cho thấy, nhiều khách thuê văn phòng đã chuyển từ khu vực ngoại đô về khu trung tâm vì giá thuê không chênh lệch quá lớn.

Có cung ắt có cầu. Nhiều cửa hàng bán nước, thức ăn nhanh tại phố đi bộ đang rất hút khách. Cảnh xếp hàng chờ đợi để tính tiền rất phổ biến. Thậm chí một số chung cư gần phố đó, người dân cũng nhanh nhạy mở tiệm nước, ăn vặt để phục vụ nhu cầu của người dân khi đến phố đi bộ.

Hay như tại một số khách sạn lớn, trước đây chỉ bán nước tại quầy trong khách sạn thì nay khi phố đi bộ hoàn thành, đã di chuyển một số bình nước la hán quả, dâu tây ra phía bên ngoài bán cho khách. Mỗi ly có giá 10.000 đồng. Cao điểm vào những ngày cuối tuần, một điểm cũng bán được hàng trăm ly nước.

Phố đi bộ bắt đầu nhộn nhịp từ 18h mỗi ngày
Nước giải khát, đồ ăn vặt và các dịch vụ tiện ích luôn được khách đến phố đi bộ lựa chọn như một nhu cầu thiết yếu

Đắt hàng không kém là các điểm bán đồ ăn vặt, nhiều gánh hàng rong cũng tấp nập ra vào để mời chào, đưa đồ cho khách trên phố đi bộ. Để tránh lực lượng chức năng, những người bán hàng rong tìm nhiều cách “ngụy trang” cất giấu đồ, thậm chí có người bỏ sẵn từng món đồ ăn vặt vào túi nilong màu đen, khi khách có nhu cầu sẽ lấy ra bán.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được xây dựng nâng cấp từ tháng 9/2014 và đi vào hoạt động hôm 29/4/2015. Công trình có chiều dài 670m, rộng 64m có sức chứa 5.000-6.000 người. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng đạt gần 430 tỷ đồng.

Trung Kiên


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”