1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán

Với hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, top 20 người giàu trên sàn chứng khoán như ông Phạm Nhật Vượng, Bầu Đức, Trần Hoàng Long, Nguyễn Duy Hưng... đã có thêm lĩnh vực kinh doanh là nông nghiệp. Đây chính là những nhân tố tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp trong năm 2017 và những năm tới.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 1

Năm 2016 là năm mà Chính phủ mới liên tục có những thông điệp mạnh mẽ và hành động cụ thể nhằm kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp nước nhà nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tương xứng cho GDP.

Đặc biệt, với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sẽ có gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, càng tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Với niềm tin vào Chính phủ mới, nhiều đại gia đã chi hàng nghìn tỷ đồng để đi làm nông, nuôi lợn, trồng rau... Kết quả là, hết năm 2016, top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán đã xuất hiện những đại gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Tất nhiên, những đại gia nằm trong top này không phải do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng họ đang sử dụng những tiềm lực, lợi thế sẵn có để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đại gia Đoàn Nguyên Đức - HAGL

Đại gia đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải nói Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Năm 2008, nhận thấy lĩnh vực bất động sản tuy có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và mang tính chu kỳ, Bầu Đức đã quyết định sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô.

Với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài” từ những cây trồng ngắn ngày, đến giữa năm 2014, Bầu Đức đã hàng chục nghìn hécta cao su, mía đường, cọ. Ngoài ra, đại gia này còn đầu tư vào trồng dứa, nuôi bò, nhà máy ép hoa quả...

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 2

Tính đến thời điểm hiện tại, Bầu Đức đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hơn 18.000 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp và lập công ty con chuyên về lĩnh vực nông nghiệp là Công ty CP nông nghiệp quốc tế HAGL với vốn điều lệ 7.671 tỷ đồng. Công ty này đã niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu HNG.

Năm 2008, khi cổ phiếu HAG của HAGL niêm yết trên sàn chứng khoán, Bầu Đức đã trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, sau đó vị trí này đã bị ông Phạm Nhật Vượng soán ngôi.

Đến năm 2014, HAGL lâm vào khó khăn khi khoản nợ phải trả lên tới hơn 33.000 tỷ đồng và vị trí của Bầu Đức cũng tụt mạnh. Kết thúc năm 2016, Bầu Đức có tài sản trên sàn chứng khoán là 1.861 tỷ đồng, là người giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán.

Đại gia Phạm Nhật Vượng - Vingroup

Là tỷ phú Dollar duy nhất của Việt Nam do tạp chí lừng danh Fober bình chọn, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch HĐQT Vingroup hiện là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản là 30.407 tỷ đồng.

Tỷ phú Dollar Vượng bắt đầu đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2014 bằng việc lâp công ty chuyên cung cập nguồn thực phẩm sạch với thương hiệu VinEco, có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 3

Từng chia sẻ về “ngã rẽ” này, tỷ phú Vượng cho biết: “Khát vọng của tôi là muốn để người Việt được dùng rau, quả sạch thường xuyên. Hy vọng những chương trình tương tự như thế này sẽ đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm nông nghiệp sạch với giá không đắt đỏ như bây giờ”.

Về quy mô nông nghiệp, ông chủ Vingroup cho biết, doanh nghiệp sẽ trồng khoảng vài chục nghìn ha rau. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã “gom” được vài chục hécta đất nông nghiệp để thực hiện dự định này.

Đại gia Trần Đình Long – Hoà Phát

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát (HPG) hiện đang là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán với tài sản là 9.147 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính mang lại thành công cho Hoà Phát chính là thép. Tuy nhiên, từ năm 2014, Hoà Phát quyết định đầu tư thêm lĩnh vực nông nghiệp, mà cụ thể là thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà. Hiện Hòa Phát mới chủ yếu đầu tư thức ăn chăn nuôi và lợn. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoà Phát đã đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 4

Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đem lại lợi nhuận cho Hoà Phát, nhưng ông Long nhấn mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nghĩa là Hoà Phát chấp nhận cạnh tranh.

Hoà Phát là “xe tăng, xe lu” đi thị trường giữa. Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hoà Phát cứ đường thẳng mà đi. Mình tôn trọng họ, nhưng mình không có gì phải lo.

Ông Long khẳng định Hoà Phát sẽ ưu tiên đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa mạnh hơn ngành nông nghiệp, tăng hiệu quả và giá trị sản xuất.

Đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng – SSI

Đại gia Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) kiêm chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (PAN) hiện đang là người giàu thứ 18 trên sàn chứng khoán với tài sản là 1.530 tỷ đồng.

Ông Hưng bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2014 thông qua PAN. Tính đến nay, PAN đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gần 150 triệu USD, tương đương hơn 3.300 tỷ đồng.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 5

Ông Hưng đầu tư vào nông nghiệp thông qua hình thức mua bán sáp nhập. Theo đó, ông tìm kiếm công ty trong lĩnh vực nông nghiệp kinh doanh hiệu quả thì đầu tư mua cổ phần với tỷ lệ chi phối.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hưng cho biết đầu tư vào nông nghiệp thành công, yếu tố quan trọng không phải là "đại gia" hay "tiểu gia" mà là tổ chức mọi người lại, cùng hợp lực và lấy thị trường làm gốc mới phát triển được.

“Quan điểm của tôi khi đầu tư vào nông nghiệp không phải để làm thay những người nông dân, những người làm nông nghiệp lâu năm. Vì tôi không có kinh nghiệm như họ trong việc chọn giống, phân bón, thời tiết… Công việc của tôi là kết hợp giữa nhà tài chính, nhà khoa học, nhà nông nghiệp và nông dân. PAN thành công vì đã chắp nối được những người đó với nhau”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, ngành nông nghiệp chỉ bớt rủi ro khi được ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi để thu hút những doanh nghiệp lớn tham gia.

Đại gia Trương Thị Lệ Khanh – VHC

Đại gia Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) hiện đang là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán với tài sản là 2.634 tỷ đồng.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 6

VHC hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thuỷ sản.

Bà Khanh sinh năm 1961, quê tại An Giang. Nếu năm 2014, bà Khanh đứng thứ 8 trong top 10 những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì năm 2016, con số này đã nhảy lên 5 bậc.

Đại gia Trương Gia Bình – FPT

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (FPT) hiện đang là người giàu thứ 19 trên sàn chứng khoán với tài sản là 1.434 tỷ đồng.

Mới đây, tại cuối đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Bình cho biết ý tưởng đầu tư vào nông nghiệp của mình theo hướng công nghệ.

Những đại gia nông nghiệp trên sàn chứng khoán - 7

Ông Bình cho rằng hiện nay, một người làm từ A – Z không thể nào có tính cạnh tranh, bởi anh có thể tốt ở một khâu nhưng khâu khác anh không chuyên. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chuỗi liên kết thì quy mô, năng suất sẽ tăng, có thể có những chỗ đứng cao trên thế giới.

Theo ông Bình, với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT cần dẫn dắt về công nghệ trong các ngành trọng điểm của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp. Việc bắt tay, kết hợp sớm giữa các doanh nghiệp nông nghiệp - hiểu biết về chuyên môn và doanh nghiệp công nghệ - hiểu biết về công nghệ để cùng tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc thù Việt Nam sẽ thúc đẩy việc hình thành nền nông nghiệp thông minh nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo: Trần Giang

Dân Việt