1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

Nhìn lại “đại án” tham nhũng gây thiệt hại trên 530 tỷ đồng

(Dân trí) - Chưa đầy một năm, các đối tượng trong đường dây tham nhũng “cực khủng” đã cấu kết với nhau thực hiện nhiều hợp đồng kinh tế khống, gây thiệt hại cho nhà nước 531 tỷ đồng. Đây được xem là một trong “Mười đại án tham nhũng” tại Việt Nam.

Trụ sở Công ty cho thuê tài chính II, nơi xảy ra “đại án” tham nhũng gây thiệt hại 531 tỷ đồng
Trụ sở Công ty cho thuê tài chính II, nơi xảy ra “đại án” tham nhũng gây thiệt hại 531 tỷ đồng

Ngày 6/11, TAND TPHCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thiệt hại hơn 530 tỷ đồng tại công ty Cho thuê tài chính II (ACLII) là doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 
Theo cáo trạng, Công ty ALC II được thành lập vào tháng 7/1998 và đưa vào hoạt động từ ngày 16/10/1998 với chức năng được triển khai nghiệp vụ, nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, vay bốn ngắn hạn, trung và dài hạn, phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi trên 1 năm, tiếp nhận các nguồn vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, được vay của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng…

Từ năm 2006 – 2009, Công ty ALC II do ông Vũ Quốc Hảo giữ chức vụ Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê. Quá trình điều hành công ty, ông Hảo đã có hành vi chỉ đạo, thực hiện cho thuê tài chính dưới hợp đồng giải ngân đầu tư tài sản cho thuê nhưng thực chất là cho vay trái quy định của Nhà nước về cho thuê tài chính.

Đến cuối năm 2008, đầu năm 2009, vì mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu, có tiền chuyển cho các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn và sử dụng vào mục đích các nhân, Vũ Quốc Hảo đã móc nối với Lê Đoàn Tám - Giám đốc công ty TNHH đóng tàu Đại Dương và Lê Văn Phong - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hàm Rồng (tỉnh Đồng Nai), Khương Minh Hiệp (Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phú Gia), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt) và một số cán bộ Công ty ALC II thực hiện nhiều hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán tín dụng “khống” để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Cụ thể, quá trình quen biết, Hảo chạy “chân ngoài” thông qua việc hợp tác làm ăn với Phong trong việc đầu tư xây dựng dự án khu căn hộ Trường An tại thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) và đầu tư bất động sản tại quận 7 (TP.HCM). Vì Hảo nhiều lần vay tiền của ông Lê Đoàn Tám để chuyển cho các đối tác của mình, trong đó chuyển cho Lê Văn Phong tổng cộng 60 tỷ đồng để đầu tư. Tháng 2/2009, khoản tiền mà Hảo và Phong nợ ông Tám lên đến 75 tỷ đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi.

Để có tiền chi trả cho khoản làm ăn bên ngoài và tiêu xài cá nhân, Vũ Quốc Hảo đã móc nối với Đặng Văn Hai (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng thương mại Quang Vinh, khách hàng của Công ty ALC II) ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích, rút tiền của Công ty ALC II để trả nợ.

Ngày 2/3/2009, Hảo đứng ra ký hợp đồng mua bán khống cần cẩu thủy lực bánh xích trị giá 135 tỷ đồng với công ty Quang Vinh. Sau đó, chính ông Hảo đã duyệt chi, chuyển cho công ty Quang Vinh 120 tỷ đồng. Giải ngân xong, Hảo lấy 75 tỷ đồng để trả nợ. Trước đó, vào tháng 3/2008, trong quá trình tất toán ba hợp đồng thuê tài chính giữa Công ty Hàm Rồng với Công ty ALC II, bị can Hảo đã nhận 4,9 tỷ đồng tiền thanh lý tài sản nhưng không nhập quỹ công ty. Số tiền tham ô lần này, Hảo lấy 2,8 tỷ đồng trả nợ tiền mua đất đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, số còn lại dùng để trả nợ cá nhân.

Không chỉ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong thời gian đương chức, Vũ Quốc Hảo đã móc nối cùng các đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Công ty ALC II hơn 373 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, quá trình điều hành công ty, ông Hảo đã để xảy ra tình trạng thua lỗ, nợ xấu lớn dẫn đến khó khăn cho quá trình cổ phần hóa.

Một số cáo trong đường dây tham nhũng bị đưa ra xét xử sáng 6/11
Một số cáo trong đường dây tham nhũng bị đưa ra xét xử sáng 6/11

Với mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi, đạt chỉ tiêu lợi nhuận để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Hảo đã đưa ra chủ trương cho cán bộ công ty và người quen ở ngoài tiến hành huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đơn vị doanh nghiệp để hưởng chi phí hoa hồng cao. Thông qua các mối quan hệ, Hảo cùng một số lãnh đạo, cán bộ phòng ban đã bàn bạc, thống nhất với một số đối tác quen biết như Lê Văn Phong, Đặng Văn Hai, Phạm Minh Tuấn, Trần Văn Khanh, Hoàng Ngọc Tuấn cố ý làm trái quy định, “hô biến” 8 hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán giữa ALC II với các đối tác trên để giải ngân 621,8 tỷ đồng.

Sau khi được giải ngân, phần lớn số tiền trên được sử dụng để thanh toán các khoản nợ xấu của chính các doanh nghiệp này tại Công ty ALC II. Cơ quan giám định kết luận sai phạm tại 8 hợp đồng trên đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 373,6 tỷ đồng. Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong vụ án này là hơn 531 tỷ đồng.

Ngày 6/11, Vũ Quốc Hảo cùng hơn 10 đối tượng khác trong đường dây tham nhũng “cực khủng” này đã được đưa ra xét xử, truy tố về các tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Tham ô tài sản”.

Bản cáo trạng dài hơn 50 trang cho thấy những vi phạm chồng chất của Vũ Quốc Hảo cùng đồng bọn. Dự kiến phiên tòa xét xử “đại án” tham nhũng này kéo dài trong 2 tuần liên tiếp.

Phúc Yên
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước