1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhiều tranh cãi về tiêu chí tạm dừng dự án BĐS

Một trong những tiêu chí để tạm dừng một số dự án bất động sản được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ đó là căn cứ vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này của Bộ Xây dựng vẫn còn không ít tranh cãi.

Chỉ các dự án giải phóng mặt bằng trên 70% đang thi công xây dựng dở dang mới được rơi vào top các dự án an toàn, được triển khai tiếp. Các dự án giải phóng mặt bằng đạt trên 30% nhưng dưới 70% vẫn thuộc diện rủi ro, vì muốn triển khai tiếp hay tạm dừng sẽ còn phụ thuộc vào địa phương quyết định. Đối với các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang dưới 30% diện tích buộc phải tạm dừng.

 

Tiêu chí tạm dừng dự án này được Bộ Xây dựng đưa ra nhằm giảm nguồn cung nhà ở thương mại. Đặc biệt hữu hiệu nhất với thị trường BĐS Hà Nội  vốn được nhận định là nếu triển khai tiếp sẽ dư thừa nguồn cung đủ để phục vụ đến năm 2050.
 
Nhiều tranh cãi về tiêu chí tạm dừng dự án BĐS

 

Tuy nhiên tiêu chí này lại khiến không ít các dự án BĐS tại Hà Nội rơi vào hoang mang, nhất là nhiều dự án đã đổ không ít tiền của vào giải phóng mặt bằng tới gần 70%. Và giờ có được triển khai tiếp hay không, không còn thuộc quyền của doanh nghiệp nữa.

 

Đại diện huyện Mê Linh, một địa phương có nhiều dự án BĐS tỏ ra không đồng thuận lắm với tiêu chí này. Bởi chỉ căn cứ vào phần trăm giải phóng mặt bằng để quyết định tạm dừng dự án cũng chưa thực hợp lý và công bằng với doanh nghiệp.

 

Ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng: “Tôi nghĩ 30 hay 70 không quan trọng. Có dự án giải phóng mặt bằng 30% nhưng họ có vốn và họ làm luôn. Nhưng cũng có dự án giải phóng 70% cũng còn vốn để triển khai tiếp”.

 

Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Không nên đưa ra con số định lượng như thế. Nhiều khi đưa ra con số gò ép nhưng cũng nhiều lúc phải do cung cầu quyết định”.

Tuy nhiên cũng có những quan điểm cho rằng, cần phải mạnh tay trong việc tạm dừng dự án để điều tiết thị trường BĐS. Bởi nếu cứ chờ đợi trên cơ sở nguyện vọng của doanh nghiệp thì việc tạm dừng dự án sẽ khó thực hiện được theo kỳ vọng.

 

Doanh nghiệp nào cũng sẽ lấy lí do để khỏi phải tạm dừng bởi nếu tạm dừng sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi, rút vốn của khách hàng và đối tác. Vấn đề là xung quanh chủ trương tạm dừng một số dự án, các địa phương có dám mạnh tay ký quyết định cho các dự án tạm dừng hay không hay vì những lý do tế nhị xung quanh chuyện chạy dự án mà không thể quyết định.

 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện vẫn chưa có danh sách đề xuất các dự án tạm dừng trong khi TP.HCM đề xuất tạm dừng 322 dự án. Có vẻ như việc tạm dừng dự án ở thành phố HCM không phải là quá khó và là rất khó với Hà Nội.

 

Theo Tuyết Mai

VTV