1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhiều dự án khai thác khoáng sản quan trọng đã không lấy ý kiến nhân dân

(Dân trí) - Quy định trước khi đấu giá, cấp phép các dự án khai thác khoáng sản phải thông qua ba vòng có sự tham gia của người dân khu vực. Tuy nhiên, cả quá trình từ khi cấp phép đầu tư, hoạt động, lập báo cáo tác động môi trường thì hầu hết người dân không được lấy ý kiến.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Minh bạch trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản tại Việt Nam vừa được VCCI phối hợp với các bên liên quan tổ chức tại Hà Nội sáng nay (21/3).

Vụ hàng loạt doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp phép khai thác cát được tại Bắc Ninh đang tạo sóng dư luận khi người đứng đầu địa phương bị đe dọa vì chỉ đạo các DN ngừng hoạt động
Vụ hàng loạt doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp phép khai thác cát được tại Bắc Ninh đang tạo sóng dư luận khi người đứng đầu địa phương bị đe dọa vì chỉ đạo các DN ngừng hoạt động

Theo ông Đức, sau nhiều năm tham gia rà soát các dự án khai khoáng cùng với các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia và quốc tế tại Việt Nam, VCCI nhận thấy hoạt động khai thác khoáng sản hiện đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý từ xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý thực tiễn.

Về luật pháp, đại diện của VCCI khẳng định: Các thiết chế pháp lý liên quan đến khai thác khoáng sản tương đối minh bạch, nhưng về quy hoạch thì việc lập và sửa đổi thiếu minh bạch đã khiến những quy định trở nên khó thực thi. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) trong ngành phải tiếp cận thông tin khoáng sản từ phần lớn là do các mối “quan hệ”, đây là điều khiến cho cơ chế đấu giá thất bại.

Chính vì vậy, VCCI đề nghị cần được minh bạch về chính sách thuế, cơ chế đấu giá, đấu thầu và nghĩa vụ liên quan theo quy định bởi thực tế hiện nay, có nhiều DN hoạt động khai thác khoáng sản luôn báo cáo thua lỗ nhưng ngược lại vẫn mở rộng hoạt động. Nghịch lý này cần được làm sáng rõ.

Theo nghiên cứu của VCCI, các DN hoạt động trong ngành khai khoáng luôn có tỷ lệ chi phí không chính thức cao hơn DN ngành khác từ 2%. Số DN khai khoáng bị phạt vì vi phạm môi trường cũng cao hơn nhiều so với DN ngành khác. Điều này đặt ra vấn đề phải xem lại việc quản lý cấp phép, đánh giá tác động môi trường và thực tế hiệu quả của hoạt động quản lý lĩnh vực này thời gian tới.

Theo ông Đức, về quy định của pháp luật, mỗi dự án khai thác khoáng sản phải tổ chức đấu giá mới được khai thác, trừ khi được ủy quyền. Nhưng thực tế các mỏ, dự án được đấu giá rất thấp, cơ quan Trung ương không tổ chức được đấu giá và DN xin đấu giá rất ít, ở địa phương tỷ lệ đấu giá dự án khai khoáng còn thấp.

"Quy định phải lấy ý kiến cấp phép dự án khoáng sản thông qua ba vòng có sự tham gia của người dân khu vực trước khi cấp phép hoạt động, cấp phép đầu tư, lập báo cáo tác động môi trường, nhưng hầu hết người dân không được lấy ý kiến", ông Đức nói.

TS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất Việt Nam cho rằng, hiện các quy định thăm dò khoáng sản yêu cầu phải đánh giá đầy đủ trữ lượng và chất lượng mỏ để xác định giá tham chiếu. Tuy nhiên, trữ lượng thăm dò thường không đúng kết quả thăm dò và khai thác thực tế. Phần lớn là ít hơn, do đó phần lợi thuộc về DN và cơ quan quản lý.

Ông Thụ cho biết, mối quan hệ thu ngân sách với trữ lượng khoáng sản là tương đồng, nếu làm ra nhiều sản phẩm từ khoáng sản thì phải nộp thuế nhiều. Những cách tính và thu không hợp lý thì tạo điều kiện cho DN chân sau của Bộ, ngành.

TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Chủ tịch Hội khoa học công nghệ mỏ Việt Nam phân tích: Quản lý ngành khoáng sản hiện nay rất phân tán, chia nhiều vai tương ứng với đó là nhiều bên lợi ích. Ví dụ, trong khi Bộ Công Thương quản lý tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV), thì các đơn vị khác có liên quan khác quản lý hoạt động chế biến và sử dụng. Việc nhiều cơ quan quản lý này khiến ngành khoáng sản khó bứt phá vừa không quản lý được hiệu quả.

Theo các chuyên gia hội nghị, vụ việc một số DN khai thác cát được Bộ GTVT cấp phép tại Bắc Ninh, chống lệnh của UBND tỉnh Bắc Ninh, cố ý đe dọa người đứng đầu tỉnh khi ngăn chặn những DN khai thác vượt mức, gây hủy hoại môi trường, tác động địa chất đã và đang cho thấy đây là vấn đề chồng chéo, gây bất minh trong quản lý, tạo điều kiện hình thành quyền lực ngầm trong phân phối tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam.

TS Chỉnh đề xuất: "Tổ chức quản lý khai thác khoáng sản hiện nay phải thay đổi để hạn chế khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Nếu không, nên đề xuất lập một ủy ban quốc gia về giám sát khai thác khoáng sản để thực hiện chính sách và quản lý tập trung".

Nguyễn Tuyền