1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhiệt điện nửa tỉ đô lại “liệt” một nửa

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, nằm trên phường Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), gồm 2 tổ máy có vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng (500 triệu USD), kể từ khi nhà thầu Trung Quốc bàn giao luôn xảy ra hỏng hóc. Và gần nửa năm nay, nhà máy này bị “liệt” một nửa do tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng.


Nhà máy có công nghệ, thiết bị Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Nhà máy có công nghệ, thiết bị Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Sự cố tốn triệu đô

Hai tổ máy số 1 và 2, hay còn gọi là Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 chính thức hoạt động từ năm 2010 và được nhà thầu Trung Quốc - Cty TNHH Công trình điện quốc tế Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) - bàn giao cho Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - Vinacomin vào tháng 9.2011. Tổng công suất của hai nhà máy là 680MW, có tổng vốn đầu tư 10.635 tỉ đồng do 10 cổ đông góp vốn, trong đó Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giữ cổ phần chi phối. Bình quân, khi hoạt động ổn định, mỗi năm, Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả cung cấp cho thị trường khoảng 3,3 tỉ kWh, với doanh thu trên 4.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 2.2016, trong khi đang hoạt động, tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng - bị gãy cánh, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động khẩn cấp. Đây không phải là lần đầu tiên tua-bin của nhiệt điện Cẩm Phả gặp sự cố nghiêm trọng. Năm 2014, tua-bin của tổ máy số 2 cũng từng bị gãy cánh và phải ngừng hoạt động mất 4 tháng, từ 17.7 - 17.11.2014.

Ngay sau khi tua-bin của tổ máy số 1 gặp đại nạn, một loạt chuyên gia trong nước và sau đó là các chuyên gia Trung Quốc được mời đến để “khám” và “chữa” bệnh cho tổ máy này, nhưng bất lực. Không còn cách nào khác, Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả buộc phải đưa cả tua-bin nặng khoảng 80 tấn sang Trung Quốc “chữa trị”.

Từ Cẩm Phả, một chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở chiếc tua-bin trên lên cửa khẩu Lạng Sơn, rồi một chiếc xe cùng cỡ của đối tác Trung Quốc đón đưa sâu vào nội địa - khoảng 4.000km, với hành trình khoảng 20 ngày mới đến nơi sửa chữa. Chúng tôi đã nhiều ngày nỗ lực liên hệ xin làm việc với lãnh đạo Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả để có thông tin thêm về số phận chiếc tua-bin trên nhưng đều bất thành. Tuy nhiên, đến nay, tua-bin của tổ máy số 1 vẫn đang trong quá trình đại sửa chữa bên Trung Quốc và dự kiến phải đến tháng 7 tới, tổ máy số 1 may chăng mới trở lại hoạt động. Giới chuyên môn ước tính, sẽ phải mất hàng chục tỉ đồng để khắc phục sự cố này; chưa kể tới liệu sửa xong, tổ máy có tái bệnh hay không.

Không chỉ tốn cả triệu đô để sửa chữa tua-bin, mà việc tổ máy số 1 dừng hoạt động cả nửa năm còn khiến Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả mất cả trăm tỉ đồng khi công suất giảm mất 50%, nhất là vào dịp hè này nhu cầu điện tăng đột biến.

Khó khăn chồng chất

Kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay, các cổ đông - chủ yếu là các Cty thuộc Vinacomin, như: Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Mông Dương… - vẫn chưa nhìn thấy tương lai được nhận cổ tức, khi mà mức lỗ dù đã giảm nhưng năm 2015 vẫn ở mức trên 270 tỉ đồng và nay lại “dính” phải vụ đại sự cố hỏng tua-bin.

Theo lý giải của Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả, nguyên nhân chính gây lỗ lớn là do Cty chưa áp dụng Nghị định 41 về việc thanh toán giá điện theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán. Cụ thể, Cty vay ngoại tệ để xây dựng nhà máy, nhưng đến nay vẫn chỉ được tính giá ngoại tệ 19.500 đồng/USD trong kết cấu giá điện, trong khi giá USD hiện đã trên 22.400 đồng/USD, trong khi đó, nhiều nhà máy khác lại được áp dụng Nghị định 41.

Theo ông Phạm Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - bản thân thu nhập của 720 cán bộ, công nhân viên Cty cũng luôn thấp hơn so với các nhà máy điện khác do không được hưởng Nghị định 41, nay gặp sự cố tua-bin, lại càng thấp hơn.

Để tạm thời ổn định công việc của người lao động, Cty phải linh hoạt luân chuyển công việc: Người lao động ở tổ máy số 1 và số 2 thay phiên nhau đổi vị trí làm việc. “Cty vẫn bố trí lực lượng trung tu, bảo dưỡng tổ máy số 1, nhưng nếu cứ làm ở đây thì thu nhập sẽ thấp. Vì thế, luôn có sự hoán đổi lao động ở hai tổ máy với nhau, nhằm đảm bảo thu nhập công bằng cho người lao động trong toàn Cty” - ông Cường cho biết. Cũng theo ông Cường, sở dĩ dù gặp đại sự cố, phải dừng hoạt động hơn nửa năm, nhưng thu nhập của người lao động không giảm quá nhiều là do có nguồn tiền dự phòng từ năm 2015. Tuy nhiên, từ tháng 5-6.2016 trở đi, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều do nguồn dự phòng đó đã hết.

Như báo Lao Động đã phản ánh, sau khi đưa hai nhà máy vào hoạt động, Vinacomin nhiều lần đề xuất với tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng thêm nhà máy thứ 3, bên cạnh hai nhà máy đang hoạt động, bất chấp ý kiến phản đối của cử tri về ô nhiễm bụi. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất không xây dựng nhà máy số 3 tại vị trí trên.

Theo Nguyễn Hùng

Lao động