1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhật gây “sốc” với quyết định bơm 1.400 tỷ USD vào nền kinh tế

(Dân trí) - Ngân hàng trung ương Nhật ngày hôm qua đã có một quyết định khiến các thị trường tài chính thế giới bất ngờ khi tuyên bố bơm 1400 tỷ USD vào nền kinh tế trong vòng chưa đầy 2 năm tới.

Quyết định trên đã được tân thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda công bố trong một buổi họp báo tại Tokyo. Theo đó BOJ cam kết sẽ tăng cường mua trái phiếu chính phủ Nhật với quy mô 7500 tỷ Yên (tương đương 78,6 tỷ USD) mỗi tháng, đồng thời tăng gấp đôi lượng tiền cơ sở, bao gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của các định chế tài chính tại ngân hàng trung ương, trong vòng 2 năm tới.

Ông Haruhiko Kuroda đã có những quyết định táo bạo
Ông Haruhiko Kuroda đã có những quyết định táo bạo

BOJ cũng khẳng định sẽ mua các trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài hơn cũng như các loại tài sản có tính rủi ro cao hơn. Như vậy quy mô chương trình mua trái phiếu này đã vượt xa mức 5200 tỷ Yên/tháng được các chuyên gia dự báo trước đó, và là chương trình kích thích kinh tế “khủng” nhất kể từ khi hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế được thực hiện năm 2001.

“Đây là một đợt nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong lịch sử”, ông Kuroda phát biểu với các phóng viên. “Chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước đi có thể. Tôi tin tưởng rằng tất cả các biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2% đã được triển khai ngày hôm nay”.

Một trong những bước đi được BOJ thực hiện đó là từ bỏ việc lấy lãi suất làm mục tiêu và trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới lấy lượng tiền cơ sở làm mục tiêu. BOJ từng áp dụng chính sách tương tự trong giai đoạn 2001 – 2006 nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda khẳng định BOJ muốn hạ lãi suất trái phiếu chính phủ xuống để kích thích các nhà đầu tư mua các tài sản rủi ro hơn như bất động sản, cổ phiếu và khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình chi tiêu mạnh hơn ngay lúc này do lạm phát kỳ vọng sẽ tăng.

Động thái nới lỏng tiền tệ mạnh tay của ông Kuroda cùng việc ông được hầu hết ban lãnh đạo BOJ ủng hộ, đã khiến đồng Yên giảm giá mạnh, kéo lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng 2,2%, lên sát mức cao nhất 4 năm rưỡi gần đây.

“Đây là một quyết định thật nhanh chóng và mạnh mẽ”, Takuji Okubo, kinh tế gia trưởng của tổ chức Tư vấn vĩ mô Nhật Bản tại Tokyo và từng là lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs nhận định. “Việc đề ra mục tiêu cụ thể là 2 năm đúng là một bất ngờ tích cực”.

Cùng quan điểm này, nhà kinh tế của ngân hàng HSBC Nhật Bản Izumi Devalier cho rằng “Kết quả này phản ánh đúng sự thay đổi của chính phủ. BOJ giờ đây đã cam kết mạnh mẽ hơn nhiều trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% và chứng tỏ rằng họ sẽ làm bất kỳ điều gì để đạt được mục tiêu đó”.

Nhật đang tìm mọi cách để kích thích người tiêu dùng mở hầu bao
Nhật đang tìm mọi cách để kích thích người tiêu dùng mở hầu bao

Quyết định mới này của BOJ sẽ đem đến sự hứng khởi cho thị trường Nhật nhưng không phải không có rủi ro. Nó có thể khiến BOJ nắm giữ lượng quá lớn nợ của chính phủ và có khả năng chịu tổn thất nặng nếu lạm phát không thể được kích thích còn nhà đầu tư mất niềm tin vào các nỗ lực phục hồi kinh tế.

Ngoài ra nó cũng có thể thổi bùng lên một cuộc chiến tiền tệ do các quốc gia châu Á khác cũng tìm cách phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu, nhằm cạnh tranh với đồng Yên yếu. “Nó cứ như thể chúng ta đã trở lại thời kỳ nới lỏng định lượng của những năm 2000”, Hiroaki Muto, kinh tế gia cao cấp tại công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui tại Tokyo cho biết.

“Việc đặt mục tiêu là lượng tiền cơ sở sẽ dẫn tới sự tăng mạnh số dư tài khoản vãng lai mà các ngân hàng thương mại duy trì tại BOJ, nhưng tôi vẫn không dám chắc nếu số tiền này sẽ được chuyển vào nền kinh tế”.

Thời gian qua, kinh tế Nhật đã bị tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố, trong đó có hàng thập kỷ giảm phát với giá cả giảm. Khi giá cả đi xuống, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu để chờ giá giảm tiếp còn các công ty hạn chế đầu tư. Và hậu quả là kinh tế Nhật bị mắc kẹt trong vòng xoáy tăng trưởng èo uột và giảm phát.

Với việc lĩnh vực xuất khẩu tụt dốc trong những năm gần đây, việc kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa đã trở thành nhiệm vụ then chốt để thổi làn gió mới vào nền kinh tế. Kể từ khi trở lại nắm quyền, thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định thúc đẩy lạm phát là bước đi chính yếu để kích thích tiêu dùng.

Dưới áp lực của chính phủ, hồi đầu năm nay BOJ đã tăng gấp đôi lạm phát mục tiêu lên mức 2%. Các nhà phân tích cho rằng dù đây là mục tiêu khó khăn nhưng các chính sách cho thấy BOJ đang đi đúng hướng.

“Đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong 2 năm vẫn là rất khó. Nhưng giờ khả năng điều đó có thể thành hiện thực đã cao hơn trước đây nhờ các biện pháp nêu trên”, Yoshimasa Maruyama, kinh tế gia trưởng của Viện nghiên cứu kinh tế Itochu khẳng định.

Thanh Tùng
Reuters,CNBC